Liên kết khu vực

Bước chuyển tích cực trong phòng chống dịch cúm gia cầm

Bước chuyển tích cực trong phòng chống dịch cúm gia cầm

Trong chuyến công tác kiểm tra việc phòng chống dịch cúm gia cầm tại TPHCM, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, TPHCM phải ngăn chặn, không để gia cầm không rõ nguồn gốc xâm nhập. TPHCM cần quyết tâm không để xảy ra đại dịch cúm ở người. Nhưng muốn làm tốt các yêu cầu này, TPHCM cần phải phối hợp với các tỉnh…

Và chiều ngày 24-11, tại TPHCM, lãnh đạo 7 tỉnh khu vực trọng điểm phía Nam gồm Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, TPHCM, Long An, Tây Ninh và Tiền Giang chính thức ký kết chương trình phối hợp công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người.

  • “Môi hở - răng lạnh”

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM Nguyễn Phước Thảo, mỗi tỉnh, thành đều có kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người từ những văn bản, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng qua 3 mùa phát dịch cúm cho thấy không thể phòng chống hiệu quả nếu tiếp tục làm riêng lẻ từng tỉnh vì hiệu quả sẽ không cao.

Bước chuyển tích cực trong phòng chống dịch cúm gia cầm ảnh 1

PTT Thường trực Nguyễn Tấn Dũng (thứ 3 từ phải sang) tham quan khu giết mổ gia cầm tập trung của Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ. Ảnh: Đ.N.

Trong khi đó, dịch cúm gia cầm đang ở giai đoạn nguy hiểm, nguy cơ lây lan từ người qua người chỉ còn là vấn đề thời gian. Phải chủ động xây dựng chương trình phối hợp chung giữa các địa phương. Đông Nam bộ và Long An, Tiền Giang là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhiều, quy mô lớn. Đây là vùng động lực phát triển kinh tế của đất nước, đóng vai trò lớn về kinh tế - xã hội.

Mật độ dân cư đông, trong đó, riêng TPHCM diện tích chưa đến 2.000 km2, nhưng có đến 7 triệu người sinh sống sẽ là vấn đề nhạy cảm nếu phát sinh dịch cúm. Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang cho rằng, đây sẽ là khu vực đầu tiên trên cả nước khởi động mô hình liên kết phối hợp phòng chống dịch cúm gia cầm.

Nhờ đó sẽ đồng bộ hơn, chặt chẽ hơn và cũng sẽ hiệu quả hơn trong việc giám sát, kiểm soát. Sự phối hợp này giúp làm văn minh hoá việc nuôi, giết mổ và cả trong ăn uống của người dân trong khu vực.

TPHCM là thị trường tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm lớn nhất nước, với chủ trương không nuôi gia cầm lâu dài của TP, nguồn nguyên liệu chỉ còn là các tỉnh, vì vậy Chi cục Thú y tỉnh Long An ví von, quan hệ giữa TPHCM với các tỉnh - nhất là các tỉnh giáp ranh - chính là quan hệ môi – răng. Môi hở răng sẽ bị lạnh.

  • Hình thành vùng chăn nuôi an toàn và khép kín

Cũng theo ông Nguyễn Văn Khang, trong khu vực cần tổ chức lại chăn nuôi, tạo ra quy trình khép kín giữa nuôi quy mô công nghiệp, giết mổ tập trung, chế biến, với hệ thống tổ chức tiêu thụ bằng những thương hiệu rõ ràng, bao bì đúng quy cách. Đây là điều mà điều các tỉnh chưa làm được.

Nếu phối hợp làm tốt giữa các tỉnh sẽ giúp điều chỉnh lại quy hoạch và kế hoạch phát triển chăn nuôi gia cầm với quy mô hợp lý, đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm. Trước khi dịch cúm gia cầm tái phát, Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ đã có văn bản gửi lên Bộ NN-PTNT về kế hoạch tạo ra sản phẩm thủy cầm (vịt) khép kín, từ khâu sản xuất con giống, nuôi thịt, giết mổ tập trung, dự trữ (đông lạnh) và tổ chức mạng lưới tiêu thụ.

Kế hoạch này không thể thực hiện nếu không có sự phối hợp với các tỉnh. Quy định vùng cấm nuôi, hạn chế và giảm chăn nuôi ở nơi có nguy cơ cao về dịch bệnh, kể cả hộ nuôi nhỏ lẻ, cùng quy định và hướng dẫn điều kiện nuôi theo hướng khuyến khích xây dựng hệ thống chuồng kín (tỏ ra rất hiệu quả mà TP có vài chủ trại đang đầu tư nuôi theo mô hình này). Để vùng chăn nuôi an toàn, không thể thiếu sự phối hợp hỗ trợ trong kiểm tra, giám sát dịch bệnh các cơ sở chăn nuôi, nhất là vùng giáp ranh giữa các địa phương.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho rằng nếu khâu quản lý chăn nuôi tốt mà không giám sát tốt trong vận chuyển, nhất là khâu giết mổ thì chưa thể nói an toàn. Vì vậy, vấn đề giết mổ tập trung đã được các địa phương đặt ra và đề nghị TP, nên tính tới chuyện đầu tư giết mổ tại các tỉnh, từ đó vận chuyển về TP sẽ an toàn và như thế là phù hợp hơn với xu thế phát triển.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải nhấn mạnh: Mục tiêu hàng đầu của việc liên kết là hỗ trợ nhau trong phòng chống dịch cúm gia cầm. Nhưng trước mắt, điều mà TPHCM có thể hỗ trợ các tỉnh là khuyến khích và tạo điều kiện các doanh nghiệp mua, giết mổ, cấp đông dự trữ gia cầm các tỉnh mà hiện nay người chăn nuôi trong khu vực đang bị điêu đứng vì không bán được.

Việc phối hợp này nếu làm tốt, xét về mặt lâu dài, thì đây là cơ sở để hình thành nên khu vực chăn nuôi gia cầm ổn định đảm bảo vệ sinh thú y, tuân thủ và đảm bảo những quy định về dịch tễ mà các nước đang phát triển phấn đấu. Và việc phối hợp hiện nay giữa các tỉnh trong khu vực chính là cơ sở ban đầu. 

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục