Việt Nam dự giải vô địch kéo co châu Á lần thứ 6-2006

Bước đầu hội nhập

Kéo co là một trò chơi dân gian phổ biến ở nhiều nước. Cách nay hơn 1 thế kỷ, kéo co từng tổ chức giải thế giới lần đầu vào năm 1900… Sau một thời gian dài tạm lắng, kéo co đã xây dựng luật lệ rõ ràng để trở thành một môn thể thao. Liên đoàn kéo co thế giới đã hình thành và tổ chức giải vô địch thế giới theo chu kỳ 4 năm/lần kể từ  năm 1981 tại Santa Clara (Mỹ).

Bước đầu hội nhập ảnh 1

Các VĐV Việt Nam (bên trái) đang thi đấu với đội Singapore.

Được sự hỗ trợ tài chính của Chủ tịch Liên đoàn kéo co châu Á Wu Wen Ta (người Đài Loan), Việt Nam vừa tham dự giải vô địch kéo co châu Á lần thứ 6 và Cúp Asian từ ngày 15 đến 18-12 tại thành phố Ohtawara (Nhật Bản), cách thủ đô Tokyo 139km. Đội do Tổng thư ký LĐBĐ TPHCM Trần Văn Mui dẫn đầu, Giám đốc Cung Văn hóa Lao động TPHCM Lê Hồng Triều làm Phó đoàn, 1 HLV và 8 VĐV nam.

Cùng góp mặt với chủ nhà Nhật Bản và Việt Nam còn  có các đoàn Đài Loan, Hồng Công, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ma Cau, Malaysia, Mông Cổ, Singapore, Sri Lanka, Iran, Lào, Campuchia. Giải lần này tranh tài 2 hạng cân: dưới 600kg và dưới 520kg nam, nữ và Việt Nam chỉ dự hạng dưới 600kg nam. Trong điều kiện thi đấu khá căng thẳng: theo thể thức vòng tròn với 9 trận/ngày và đội tuyển mới tập luyện được 2 tháng nên Việt Nam chỉ thắng Singapore, xếp hạng 9/10 ở giải vô địch và không giành được trận thắng nào tại Cúp các CLB Nhật mở rộng.

Tham dự Hội nghị BCH LĐ kéo co châu Á diễn ra trong thời gian tổ chức giải,  Giám đốc Trung tâm TDTT Q. 1 Mai Bá Hùng cho biết: “Tại hội nghị, các quan chức của LĐ kéo co thế giới đã mời các nước tham gia Liên đoàn. Hiện nay, LĐ thế giới đã có 36 thành viên chính thức và nếu 24 đoàn vừa đăng ký tham gia được Ủy ban Olympic quốc gia, vùng lãnh thổ của mình đồng ý thì thành viên của LĐ sẽ lên đến con số 70. Riêng LĐ kéo co châu Á hiện có 17 thành viên”.

- Kéo co được tổ chức thi đấu trong nhà hoặc ngoài trời.
- Theo Luật của LĐ kéo co thế giới, mỗi đội có 10 VĐV (2 dự bị), thi đấu theo các hạng cân: dưối 480kg, 520kg, 560kg, 600kg, 640kg, 680kg, 720kg và trên 720kg.  

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự nên mục đích chính vẫn là giao lưu, học hỏi. Với tư cách là một môn thể thao, giải đã diễn ra rất quy chuẩn từ công tác tổ chức đến chuyên môn. Hãng ASICS của Nhật là nơi sản xuất các trang thiết bị đặc chủng kéo co như: thảm, dây kéo, trang phục VĐV…

Chỉ riêng giày thi đấu đúng quy cách trị giá hàng trăm USD. Trong thi đấu, kéo co có chiến thuật tấn công, phòng thủ và toàn đội phải là một khối thống nhất khi tiến, khi lùi đồng loạt để tạo động lực chứ không chỉ đơn thuần dùng sức. Manh nha ở TPHCM từ nhiều năm nay, môn kéo co đã thu hút được nhiều người tham gia.

Giải kéo co Q. 1 mở rộng 2006 đã quy tụ đến 60 đội. Trước sự phát triển của phong trào, Ban vận động thành lập Hội kéo co TPHCM gồm 6 thành viên do ông Trần Văn Mui làm Trưởng ban đã được Sở TDTT cho phép thành lập từ trung tuần tháng 7/2006. Là thành viên của Ban vận động, ông Mai Bá Hùng cho biết : “Chúng tôi đang phấn đấu để có thể tổ chức Đại hội và ra mắt BCH trước Tết Đinh Hợi 2007. Tuy chậm hơn các nước trong châu lục nhưng Việt Nam hoàn toàn có khả năng tham gia và tổ chức các giải kéo co quốc tế. Vấn đề còn lại là chủ trương của cấp trên, mức độ đầu tư cùng sự tiếp tay của các tỉnh, thành bạn”.

HOÀNG THỊNH

Tin cùng chuyên mục