Hôm nay 31-10, Quốc hội sẽ bắt đầu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Trước đó, trong phiên thảo luận tại tổ, dù ghi nhận những kết quả đạt được về ổn định vĩ mô từ đầu năm đến nay nhưng nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn khi đến nay kinh tế Việt Nam vẫn ở tình trạng loay hoay dưới đáy. Và điều đáng lo ngại là giải pháp thoát ra tình trạng này còn chưa rõ, trong khi đã có nhiều cảnh báo nếu không có giải pháp đột phá, thậm chí nước ta sẽ ngày càng tụt hậu, thua cả Lào và Campuchia… Chính bởi vậy, nhân dân và cử tri kỳ vọng, tại phiên thảo luận hôm nay, Quốc hội và Chính phủ sẽ phân tích kỹ tình hình để sớm có giải pháp vực dậy nền kinh tế, lấy lại niềm tin vào sự phát triển của đất nước.
Tại kỳ họp lần này, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét cho tăng bội chi lên 5,3% trong 2 năm tới, đồng thời cho phép phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ để tăng đầu tư.
Dù cơ bản đồng thuận chủ trương này, nhưng trong phiên thảo luận về ngân sách cuối tuần trước, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn tỏ ra vô cùng lo lắng bởi dù nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép (dưới 65% GDP) nhưng chưa an toàn khi mà các khoản vay đến hạn trả nợ lại phải vay để đảo nợ. Hiện nay khối lượng huy động vốn trái phiếu Chính phủ hàng năm đã rất lớn. Trong 3 năm tới, bình quân mỗi năm huy động khoảng trên 400.000 tỷ đồng. Trong khi việc huy động trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn và trung hạn chiếm tới 80%, vay dài hạn chỉ chiếm 20%, do đó, tần suất và mức trả nợ sẽ rất cao. Như vậy, rõ ràng chúng ta vẫn chưa thoát ra được tư duy điều hành chính sách theo tình thế, và khả năng lường trước rủi ro vẫn còn rất hạn chế.
Tại một số diễn đàn kinh tế gần đây cũng như tại diễn đàn Quốc hội, đã có nhiều ý kiến cho rằng cơ quan điều hành nên tính đến những giải pháp mang tính dài hạn hơn. TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam, đã rất có lý khi đưa ra khuyến nghị về kinh tế Việt Nam thời điểm này: “Nếu không có những biện pháp dài hạn thì không thể vượt qua những khó khăn ngắn hạn”. Vấn đề là quan điểm này cần được hiểu và cụ thể hóa bằng những giải pháp nào?
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đã đạt đến một quy mô đủ lớn để các vấn đề môi trường và xã hội có thể trở thành rào cản đối với quá trình tăng trưởng và phát triển tiếp theo. Kinh nghiệm từ các nước đi trước trong khu vực cho thấy, nếu mải mê tăng trưởng nhanh mà xem nhẹ các nhân tố phát triển bền vững thì hệ quả là khôn lường và sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí để khắc phục.
Thực tế giai đoạn 5 năm qua cũng cho thấy việc điều hành chính sách theo phương thức “chạy theo tình thế” khiến cả mục tiêu tăng trưởng và ổn định vĩ mô đều không mang lại kết quả mong muốn. Khi đạt được mục tiêu tăng trưởng thì mất mục tiêu kiềm chế lạm phát và ngược lại. Bởi vậy, thời điểm khó khăn hiện tại là một cơ hội để Việt Nam tập trung vào một mục tiêu chính là tiến hành cải cách cơ cấu một cách quyết liệt.
Tại phiên thảo luận lần này, bên cạnh việc xem xét tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và năm 2014, Quốc hội cũng sẽ đánh giá cả giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015. Đây có lẽ là thời điểm thích hợp nhất để tính các bước đi dài hạn. Dù đang ở đáy khó khăn chúng ta vẫn có đủ cơ sở để có một lòng tin và sự lạc quan dài hạn rằng: nền kinh tế đang mở ra dư địa cải cách rất lớn. Nếu bỏ lỡ sẽ khó vượt qua thách thức lớn nhất của cả giai đoạn dài sắp tới là “bẫy thu nhập trung bình” như cảnh báo của nhiều định chế tài chính quốc tế.
BẢO MINH