Bước đi quan trọng

Đức vừa quyết định rút khỏi Hiệp ước Hiến chương năng lượng (ECT) - một bước tiến quan trọng trong cam kết tăng cường bảo vệ khí hậu của nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU).

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Robert Habeck cho biết, ECT đã và đang là rào cản cho tiến trình chuyển đổi năng lượng và không phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Thời hạn rút khỏi hiệp ước kéo dài tới 20 năm. Việc rút khỏi ECT là một phần trong thỏa thuận của các đảng trong liên minh cầm quyền liên quan tới việc tổ chức lại chính sách thương mại.

ECT ra đời năm 1994, có 53 nước ký kết bao gồm cả EU, nhằm đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng và bảo vệ các công ty đầu tư vào ngành năng lượng. Trọng tâm của ECT chủ yếu là đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây, nhất là ở Trung Á và Đông Âu với mục tiêu đưa các nước này vào thị trường năng lượng chung châu Âu. Một số tổ chức môi trường và đảng Xanh của Đức đã chỉ trích hiệp ước này. Phó Chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng Xanh trong Quốc hội Liên bang Đức Julia Verlinden coi hiệp ước là lỗi thời vì cho phép doanh nghiệp kiện chính phủ khi họ không thu đủ lợi nhuận từ các khoản đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch, hoặc đòi bồi thường cho việc rút khỏi than đá và năng lượng hạt nhân.

Theo các nghị sĩ đảng Xanh, không có hiệp định thương mại hoặc đầu tư quốc tế nào khác trên thế giới gây ra nhiều vụ kiện của nhà đầu tư hơn ECT và tiêu tốn của nhà nước hàng tỷ USD. Theo tạp chí Investigate Europe, giá trị cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch ở EU, Anh và Thụy Sĩ thuộc  ECT ước tính trị giá 344,6 tỷ EUR. Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một văn bản cải cách ECT giảm thiểu các điều khoản không còn phù hợp nhưng vẫn không đủ để thuyết phục những người hoài nghi.

Theo Bộ Kinh tế Liên bang, ngoài Đức, các nước Pháp, Hà Lan và Tây Ban Nha cũng đã tuyên bố rút khỏi ECT. Italy cũng đã rút khỏi hiệp ước này năm 2016. Công ty tiện ích RWE của Đức đã sử dụng ECT để kiện Chính phủ Hà Lan, cáo buộc rằng chính phủ đã không cho phép đủ thời gian và nguồn lực để ngừng sử dụng than đá. Điều này đã thúc đẩy Hà Lan rút khỏi ECT.

Tin cùng chuyên mục