Viết chung lịch sử Đông Bắc Á

Bước đột phá quan trọng

Bước đột phá quan trọng

Theo tờ Korea Times (Hàn Quốc) ngày 31-1, các học giả ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã hoàn tất việc biên soạn cuốn lịch sử chung về thời kỳ hiện đại của khu vực Đông Bắc Á. Theo tờ báo, ủy ban xuất bản sách giáo khoa lịch sử chung của ba nước nói trên đã họp tại Nhật Bản trong hai ngày 29 và 30-1 để xem xét lần cuối nội dung cuốn sách và dự kiến sách sẽ được xuất bản trong tháng 5-2005.
 

Bước đột phá quan trọng ảnh 1

Học sinh Nhật Bản

Tờ báo Nhật Asahi Shimbun cũng cho biết cuốn sách giáo khoa lịch sử, dự kiến được sử dụng làm sách tham khảo cho học sinh trung học ba nước, do khoảng 200 học giả, giáo viên, các tổ chức dân sự ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu soạn thảo từ năm 2002. Cuốn sách đề cập đến giai đoạn lịch sử từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20 khi lịch sử khu vực Đông Bắc Á có nhiều thăng trầm, bao gồm việc xuất hiện chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản và Chiến tranh thế giới thứ hai.
 
Đây là lần đầu tiên ba nước có một hoạt động phối hợp thuộc loại này. Sự kiện này cũng là bước đột phá quan trọng trong tiến trình chấm dứt hoàn toàn những tranh cãi về lịch sử khu vực Đông Bắc Á. Theo nhóm đồng tác giả của công trình, hướng biên soạn của cuốn sách này là trình bày lại lịch sử quan hệ giữa ba quốc gia, cách nhìn nhận, đánh giá các sự kiện lịch sử về các cuộc xung đột trong quá khứ và hạn chế việc kích động các cuộc chỉ trích.

Từ hàng chục năm qua, việc nhìn nhận lại lịch sử như thế nào luôn luôn gắn liền với chủ nghĩa dân tộc tại các nước trên và cũng là vấn đề gây tranh cãi, thậm chí gây căng thẳng ngoại giao trong quan hệ giữa các nước. Vấn đề này cũng là đề tài chính trị thường xuyên bị một số tổ chức chính trị tại Nhật, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan lợi dụng để kích thích tâm lý dân tộc hẹp hòi.
 
Đối với các nhà biên soạn, góp phần giải quyết thành công tồn tại về nhận thức lịch sử sẽ là một sự khởi đầu thuận lợi. Họ hy vọng sau đó những tồn tại khác như về lãnh thổ, về quốc tịch… cũng dần dần được tháo gỡ nhằm để các nước Đông Bắc Á càng thêm xích lại gần nhau, không ngừng tăng cường quan hệ hữu nghị. Điều này càng có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực. 

TRÍ DÂN

Tin cùng chuyên mục