Sau 5 năm tranh luận gay gắt giữa phe bảo vệ tự do cá nhân và phe muốn tăng cường biện pháp an ninh, với 461 phiếu ủng hộ và 179 phiếu chống, Nghị viện châu Âu (EP) ngày 14-4 đã thông qua quyết định cho phép các hãng hàng không chia sẻ thông tin hành khách (PNR) với lực lượng an ninh các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Quyết định này sẽ cho phép các nước châu Âu có thể theo dõi hành trình các đối tượng khả nghi và sớm ngăn chặn được các âm mưu tiến hành khủng bố.
Quy trình của PNR
Quyết định này được đưa ra sau các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris (Pháp) và Brussels (Bỉ) trong thời gian vừa qua. Đây là một nỗ lực nhằm ngăn chặn, phát hiện, điều tra, truy tìm và truy tố những phần tử thánh chiến để chống khủng bố trong bối cảnh hiện có ít nhất 5.000 công dân châu Âu được cho đã được huấn luyện và chiến đấu trong hàng ngũ các tổ chức khủng bố tại Iraq và Syria.
Hệ thống PNR sẽ được chuyển tới tất cả các quốc gia thành viên. Mỗi nước sẽ thiết lập Đơn vị thông tin hành khách (PIU) của riêng mình để quản lý dữ liệu PNR và sẽ cùng chia sẻ kết quả phân tích các dữ liệu thu nhận được với các nước khác trong những điều kiện cụ thể. Dữ liệu của PNR sẽ bao gồm tên tuổi, ngày giờ, mục đích đi lại, các thông tin về vé, hợp đồng, công ty du lịch, phương tiện thanh toán, số ghế và cả thông tin hành lý của tất cả các hành khách di chuyển bên trong EU.
Thông tin khách hàng sẽ được chia sẻ với lực lượng an ninh trong EU
Mục đích nhằm giúp phát hiện những đối tượng tuy chưa có tên trong danh sách tình nghi khủng bố, nhưng phân tích dữ liệu cho thấy cần phải điều tra. Sau đó, các nước thành viên sẽ cảnh báo cho các quốc gia châu Âu khác nếu thấy cần thiết. Các dữ liệu được lưu giữ trong vòng 5 năm, nhưng những thông tin để nhận diện sẽ bị làm mờ sau 6 tháng, trừ phi cần phục vụ cho điều tra. Các nước thành viên EU có 2 năm để thực hiện và chịu sự giám sát của Ủy ban châu Âu (EC). Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ tỏ ý tiếc đây không phải là bảng dữ liệu thống nhất cho cả châu lục mà chỉ mang tính quốc gia, việc chia sẻ mang tính tự nguyện.
Trầy trật thông qua
Việc lưu giữ và chia sẻ thông tin qua hệ thống với tên gọi: “Dữ liệu tên hành khách” là biểu hiện mạnh mẽ nhất của châu Âu trong cam kết chống khủng bố và tội phạm có tổ chức. Thực ra, việc chia sẻ thông tin hành khách đã được đề xuất lần đầu tiên hồi năm 2011, nhưng đã không được thông qua khi có những tiếng nói phản đối cho rằng việc này vi phạm quyền riêng tư của các công dân châu Âu. Chỉ đến khi những vụ khủng bố đẫm máu liên tục xảy ra gần đây tại châu Âu, EP mới hối thúc thông qua quyết định chia sẻ thông tin hành khách nói trên. Sau 5 năm tranh cãi, lẽ ra hệ thống PNR phải được EP thông qua vào tháng 3 vừa qua, song lại bị hoãn do một số nhóm nghị sĩ mong muốn hệ thống này được thông qua đồng thời với văn bản về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo RFI, nguyên nhân của việc chậm trễ thông qua công cụ đấu tranh chống khủng bố này một phần là do EP lo ngại xâm phạm các quyền riêng tư.
Chỉ đến khi nguy cơ tấn công khủng bố ở châu Âu tăng cao, các quốc gia trong khu vực mới nhìn nhận phải hướng tới một chính sách an ninh chung và ngăn chặn các nguy cơ khủng bố mới có thể xảy ra. Mặc dù cho đến nay, đã có nhiều nước thành viên EU thực hiện việc trao đổi thông tin tình báo với nhau, nhưng tiếc là không phải tất cả 28 quốc gia. Vì thế, các nước EU sẽ phải tăng cường khẩn cấp việc cung cấp đồng bộ, sử dụng ổn định và khả năng tương tác của các cơ sở dữ liệu ở châu Âu và quốc tế trong lĩnh vực an ninh, di dời và di cư. Ngoài quyết định trên, các Bộ trưởng EU cũng cam kết áp dụng nhanh các biện pháp đã được quyết định, đặc biệt các biện pháp chống lại sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo đang diễn ra phổ biến tại các quốc gia Hồi giáo và mạng lưới chiến binh thánh chiến
HẠNH CHI