Ngày 30-8, hãng Reuters đưa tin Mỹ và Ấn Độ đã ký thỏa thuận về chia sẻ hậu cần quân sự được đánh giá mang tính bước ngoặt trong hợp tác quân sự giữa hai nước. Theo thỏa thuận này, quân đội hai nước sẽ sử dụng các căn cứ hải quân, lục quân và không quân của nhau vào việc tiếp tế, sửa chữa và nghỉ ngơi. Mỹ cũng đồng ý chia sẻ công nghệ và thương mại quốc phòng với Ấn Độ lên “ngang tầm với các đồng minh và đối tác thân cận nhất”.
Đối phó Trung Quốc?
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar sau lễ ký tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố đây là một thỏa thuận mang quan trọng trong hợp tác quân sự giữa hai nước. Theo ông Carter, thỏa thuận sẽ cho phép Mỹ hợp tác với Ấn Độ như một đồng minh lâu đời và gần gũi nhất. Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Parrikar khẳng định, thỏa thuận vừa được ký kết không có nghĩa là cho phép Mỹ thiết lập các căn cứ quân sự ở Ấn Độ. Về cơ bản, đây là thỏa thuận hỗ trợ hậu cần lẫn nhau như cung cấp nhiên liệu và các vật tư cần thiết khác trong các hoạt động chung; các chiến dịch cứu trợ và hỗ trợ nhân đạo.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Ấn Độ Sushma Swaraj trong một cuộc họp vào ngày 30-8, tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ
Benjamin Schwartz, hiện đang công tác tại Hội đồng thương mại Mỹ - Ấn Độ, cơ quan thúc đẩy thương mại hai nước, nhận định, bản thỏa thuận cho thấy Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chọn mối quan hệ hợp tác quốc phòng gần gũi hơn với Mỹ. Trong khi đó, theo Shane Mason, một chuyên gia đến từ Trung tâm Stimson thì Mỹ phát đi một thông điệp rõ ràng rằng, Washington xích lại gần với Ấn Độ hơn nữa, thắt chặt hợp tác trong nhiều vấn đề, đặc biệt là đối phó với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh ngày một hung hăng ở biển Đông, đe dọa an ninh hàng hải, ảnh hưởng đến tuyến thương mại trên biển quan trọng. Theo Reuters, dù không đề cập đến Trung Quốc, nhưng cả hai vị Bộ trưởng Quốc phòng Carter và Parrikar đều khẳng định Ấn Độ và Mỹ chia sẻ lợi ích về tự do hàng hải, hàng không và thương mại ở Ấn Độ Dương.
Trong một động thái nữa cho thấy Ấn Độ và Mỹ đang tăng cường hợp tác quốc phòng là Trung tướng Stephen Lanza, chỉ huy trưởng Quân đoàn I vùng bờ biển Thái Bình Dương cho hay, cuộc tập trận chung giữa hai nước có tên Yudh Abhyas sẽ diễn ra tại vùng núi phía Bắc Ấn Độ vào tháng tới.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế
Không chỉ hợp tác quân sự, Mỹ và Ấn Độ còn đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa hai nước. Ngày 30-8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker cùng những người đồng cấp Ấn Độ, Ngoại trưởng Sushma Swaraj và Bộ trưởng Thương mại Nirmala Sitharaman đã đồng chủ trì Đối thoại thương mại và chiến lược giữa hai nước. Cơ chế này được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thiết lập từ năm 2015, nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh giữa hai nước. Một trong những nội dung chính của cuộc đối thoại lần này là thảo luận các biện pháp nhằm nâng kim ngạch thương mại song phương tăng 5 lần, từ hơn 100 tỷ USD hiện nay lên mức 500 tỷ USD. Ngoài ra, hai bên đánh giá việc thực hiện hàng loạt quyết định đã được nhất trí tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Ấn Độ ở Washington hồi tháng 6 vừa qua, đồng thời xác định các lĩnh vực có khả năng hợp tác trong tương lai. Tại buổi đối thoại, hai bên cũng trao đổi những lĩnh vực hợp tác cùng quan tâm như hạt nhân dân sự, vấn đề chống khủng bố, năng lượng xanh, an ninh mạng…
Đối thoại thương mại và chiến lược là một nội dung làm việc trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Ấn Độ của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ sẽ có cuộc hội kiến với Thủ tướng nước chủ nhà Modi trong ngày 31-8.
ĐỖ CAO (tổng hợp)