Bước tiến dài trong phẫu thuật chỉnh hình

Ca ghép mặt phức tạp nhất
Bước tiến dài trong phẫu thuật chỉnh hình

Kể từ ca phẫu thuật đầu tiên thực hiện cho nữ bệnh nhân người Pháp (38 tuổi) năm 2005 đến nay, kỹ thuật ghép mặt đã vượt qua hàng loạt yêu cầu khắt khe, tiêu chuẩn phức tạp nhất để tạo nên những bước đột phá không tưởng.

Ca ghép mặt phức tạp nhất

Mới đây nhất và gây tiếng vang lớn là ca phẫu thuật mặt cho Richard Lee Norris (38 tuổi), ngụ tại thị trấn Hillsville, bang Virginia của Mỹ. 15 năm sống ẩn dật, giấu khuôn mặt bị biến dạng nặng nề do bị trúng đạn năm 1997, Richard Lee Norris không bao giờ nghĩ rằng có một ngày, khuôn mặt mình lại được trở về hình dáng giống mặt người.

Các bác sĩ tại Trung tâm Y khoa thuộc Đại học Maryland (Mỹ) đã hoàn thành ca phẫu thuật kéo dài 36 giờ đồng hồ, “thay” cho Richard “đủ bộ” diện mạo: khuôn mặt, răng, lưỡi, xương hàm. Các dây thần kinh của Richard cũng được nối lại, giúp anh có được nụ cười tự nhiên nhất có thể. Kíp mổ lên đến 100 người, gồm: bác sĩ, các chuyên gia từ các viện nghiên cứu, đại học chuyên ngành về phẫu thuật tạo hình và phẫu thuật hộp sọ, mặt.

Tiến sĩ Eduardo Rodriguez – trưởng kíp mổ cho biết: “Chỉ 3 ngày sau phẫu thuật, Richard đã đòi soi gương. Nhìn thấy khuôn mặt mới của mình, anh ta đã ôm chầm lấy tôi và xúc động nói lời cảm ơn”. Hiện anh đã có thể đánh răng, cạo râu, lấy lại khứu giác bị mất suốt 15 năm qua.

Richard Lee Norris từ trước khi gặp nạn đến lúc được điều trị và gương mặt hiện nay.

Richard Lee Norris từ trước khi gặp nạn đến lúc được điều trị và gương mặt hiện nay.

Trước đây, Richard đã trải qua rất nhiều ca phẫu thuật nhưng không thành công. Anh nhận được các bộ phận cần thiết để ghép mặt từ một người quá cố giấu tên (các bộ phận nội tạng của người này cũng được hiến cho y học, giúp cứu sống 5 bệnh nhân khác trong cùng một ngày). Như lời chia sẻ của Richard, anh chỉ có ước mơ đến một ngày nào đó, mình cũng có thể kết hôn, sinh con, xây dựng một tổ ấm như những người bạn đồng trang lứa.

Theo Trung tâm Y khoa thuộc Đại học Maryland, ca phẫu thuật của Richard nằm trong chương trình nghiên cứu kéo dài trong 10 năm qua do Văn phòng nghiên cứu Hải quân thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ triển khai. Đây là trường hợp mẫu, được tài trợ chi phí điều trị để giúp nhân rộng phẫu thuật chỉnh hình khuôn mặt bị biến dạng cho các cựu binh Mỹ trở về từ chiến trường Afghanistan và Iraq. Theo thống kê, hiện có khoảng 1.000 lính Mỹ trở về từ hai “điểm nóng” trên với cánh tay hoặc chân bị đứt lìa, bên cạnh đó là 200 trường hợp cần phẫu thuật ghép mặt.

Từng bước phát triển thành công

Ca phẫu thuật ghép mặt đầu tiên trên thế giới do Trung tâm Y khoa thuộc Đại học Nord ở Pháp thực hiện năm 2005. Bệnh nhân là cô Isabelle Dinoire (sinh năm 1967), bị chó nhà nuôi nhai mất phần cằm, mũi, để lại một phần xương trơ ra. Do trước đó cô uống thuốc ngủ quá liều nên không kịp phản ứng. Các bác sĩ đã tái tạo hoàn toàn phần phía dưới khuôn mặt của cô bằng cách sử dụng da, cơ và tĩnh mạch từ một người chết vì xuất huyết não hiến tặng.

Isabelle Dinoire có những chuyển biến tích cực kể từ sau ca phẫu thuật ghép mặt.

Isabelle Dinoire có những chuyển biến tích cực kể từ sau ca phẫu thuật ghép mặt.

Quá trình phẫu thuật cho Isabelle Dinoire được các bác sĩ ở Bệnh viện Cleveland (Mỹ) tham khảo và áp dụng đối với trường hợp của cô Connie Culp (sinh năm 1963). Bệnh nhân đầu tiên được ghép mặt ở Mỹ bị chính chồng mình bắn thẳng vào mặt vì ghen tuông. May mắn chỉ mỉm cười với Connie khi cô nhận được tin có người hiến khuôn mặt cho cô cấy ghép vào năm 2008, sau gần 30 cuộc phẫu thuật chỉnh hình với Connie đều thất bại.

Gương mặt Connie Culp qua các giai đoạn sau phẫu thuật.

Gương mặt Connie Culp qua các giai đoạn sau phẫu thuật.

Công dân Oscar người Tây Ban Nha năm 2005 bị trúng đạn từ một cây súng săn khiến anh không thể nói, ăn uống bình thường trong suốt 5 năm. Đến năm 2010, sau 10 cuộc phẫu thuật thất bại, anh được cấy ghép khuôn mặt, đắp lại những phần da bị lõm, cơ lông mi, mũi, miệng, hàm trên, toàn bộ răng xương cằm, vòm miệng.

Một trường hợp ghép mặt được sự quan tâm của dư luận là trường hợp của cô Charla Nash, sống ở Connecticut, Mỹ. Cô bị con tinh tinh nặng hơn 90kg tấn công trong một lần thăm nhà người bạn. Con tinh tinh (sau đó đã bị cảnh sát bắn chết) nhảy chồm lên người và xé toạc khuôn mặt của Charla đồng thời khiến cô mất hai tay, mũi, mắt. Sau đó, may mắn là cô đã được Bệnh viện Brigham & Wome ở Boston tiếp nhận chữa trị. Ca phẫu thuật ghép mặt và tay kéo dài 72 tiếng đã mang lại cho cô khuôn mặt mới. Tuy nhiên, do đôi tay mới không thể thích ứng nên sau đó đã bị gỡ bỏ.

Bệnh nhân trẻ nhất thế giới trải qua phẫu thuật ghép mặt là anh Ugur Acar (19 tuổi), người Thổ Nhĩ Kỳ. Anh bị phỏng nặng khi mới là đứa bé 40 ngày tuổi. Từ lúc ấy đến năm 2012, anh trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật nhưng không có kết quả tích cực. Đầu năm 2012, anh được nhóm bác sĩ thuộc Trường Đại học Y khoa Akdeniz (Thổ Nhĩ Kỳ) thực hiện ghép mặt từ khuôn mặt một bệnh nhân 45 tuổi hiến tặng.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục