Bước tiến lớn trong ứng dụng năng lượng nguyên tử

Năng lượng nguyên tử đang được ứng dụng rộng khắp vào các lĩnh vực: y tế, công nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… Trong đó, dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được coi như quyết sách quan trọng, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Bước tiến lớn trong ứng dụng năng lượng nguyên tử

Năng lượng nguyên tử đang được ứng dụng rộng khắp vào các lĩnh vực: y tế, công nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… Trong đó, dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được coi như quyết sách quan trọng, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Cung không đủ cầu

Ở nước ta, từ khi lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (lò Đà Lạt) chính thức hoạt động vào tháng 3-1984, việc nghiên cứu điều chế các đồng vị phóng xạ và dược chất phóng xạ bắt đầu hình thành và phát triển, tạo tiền đề cho việc ứng dụng năng lượng nguyên tử vào các ngành, lĩnh vực khác nhau.

Ông Lương Bá Viên, Phó viện Trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, cho biết chất phóng xạ được điều chế bằng cách chiếu xạ kích hoạt hạt nhân các đồng vị bền bằng neutron trên lò Đà Lạt và tiếp đến là công nghệ xử lý hóa phóng xạ để thu được sản phẩm cuối cùng. Hàng tháng, lò Đà Lạt hoạt động 130 - 150 giờ liên tục với công suất danh định là 500kW. Lượng đồng vị có thể sản xuất được sau mỗi đợt lò hoạt động hàng tháng có thể điều chế đến 50Ci, tùy thuộc nhu cầu tại thời điểm cung cấp, trong đó I-131, Tc-99m và P-32 chiếm tỷ lệ 50%, phần còn lại 50% bao gồm các nguyên tố đồng vị như Mo-99, Lu-177, Sm-153, Co-60, Ir-192... Các dược chất phóng xạ cũng đã được điều chế theo yêu cầu của các cơ sở sử dụng như 131I-Hippuran, 131I-MIBG, 153Sm - EDTMP, 177Lu - EDTMP, 177Lu - DOTATATE... Ngoài ra, các hợp chất đánh dấu với Tc-99m bao gồm hơn 10 chủng loại cũng được sản xuất dưới dạng đông khô, sẵn sàng đáp ứng theo yêu cầu của các khoa y học hạt nhân.

Sản xuất đồng vị phóng xạ tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

Các đồng vị phóng xạ này được ứng dụng hiệu quả từ nhiều năm nay tại các khoa y học hạt nhân của các bệnh viện trong nước. Ngoài ra, các sản phẩm chất phóng xạ sản xuất tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng đã được sử dụng trong các ngành kinh tế khác, như: thăm dò lưu lượng và hướng dòng chảy của các mạch nước ngầm và các hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện, kiểm tra chất lượng các mối hàn cho các giàn khoan dầu của liên doanh khí Vietsovpetro, kiểm tra chất lượng than đá tại các mỏ khai thác, theo dõi mức chất lỏng trong các thùng chứa của nhà máy giấy, khảo sát sự bồi lắng của sa bồi tại các công trình thủy lợi, cửa sông, cửa biển…

Song song với hoạt động sản xuất, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng trang bị 3 dây chuyền công nghệ cơ bản và một số box đánh dấu cùng các thiết bị chuyên dụng khác. Tuy nhiên, do hạn chế về quy mô và công nghệ, hiện lò Đà Lạt chưa thể sản xuất đủ các đồng vị phóng xạ theo nhu cầu trong nước, buộc các đơn vị có nhu cầu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Điều đó khiến tỷ phần đóng góp của đồng vị phóng xạ sản xuất trong nước nhờ lò Đà Lạt so với lượng đồng vị nhập ngoại sẽ giảm nhanh. “Nguy cơ mất dần thị trường đang và sẽ xảy ra. Vì vậy, một lò phản ứng hạt nhân mới công suất lớn ra đời là rất cần thiết”, ông Lương Bá Viên nhìn nhận.

Cần điện hạt nhân

Theo Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vào năm 2050, tiêu thụ năng lượng của thế giới sẽ tăng gấp đôi, nhu cầu điện năng sẽ tăng gấp ba và điện hạt nhân là đích ngắm của nhiều nước nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Trong 9 năm (2007-2015), số lò phản ứng được khởi công xây dựng hàng năm đều tăng. Dù năm 2011 có giảm đột ngột do tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nhưng sau đó các nhà máy điện hạt nhân vẫn tiếp tục được khởi công xây dựng.

Tại Việt Nam, ngay cả khi khai thác hết các nguồn năng lượng và đẩy mạnh mua điện của nước ngoài cũng không đủ đáp ứng nhu cầu. Do đó, chủ trương xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là bước đi chiến lược, nhằm giải quyết vấn đề năng lượng trong nước. Bên cạnh đó, Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử (năm 2006) vì mục đích hòa bình đến năm 2020 và sự ra đời của Luật Năng lượng nguyên tử (năm 2008) đã tạo cơ sở pháp lý để dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sớm đi vào triển khai thực tế.

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, thông tin trong số các dự án thành phần phục vụ cho nhà máy điện này, công tác đào tạo nguồn nhân lực được coi là trọng tâm. Mới đây nhất, Chính phủ đã có Quyết định 1756 về đào tạo nhân lực quản lý nhà nước hỗ trợ kỹ thuật điện hạt nhân. Tính đến năm 2015, đã có gần 400 sinh viên, cán bộ Việt Nam được cử đi học các chuyên ngành điện hạt nhân ở Liên bang Nga. Nhiều sinh viên, cán bộ Việt Nam được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ tại các nước có nền khoa học - công nghệ hạt nhân phát triển. Năm 2015, Chính phủ đã dành 11 tỷ đồng phục vụ công tác đào tạo nhân lực và trong năm 2016 nâng lên 15 tỷ đồng phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Cũng theo Cục trưởng Hoàng Anh Tuấn, hiện dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đang bước vào thời điểm cuối giai đoạn 2, bao gồm hoàn tất giai đoạn đầu tư, phê duyệt địa điểm, chuẩn bị hồ sơ ký hợp đồng với đơn vị đầu tư ROSATOM của Nga. Cần khoảng 1 - 2 năm nữa để hoàn tất các phần việc này và chuyển sang giai đoạn 3 là xây dựng.

GIA QUẢNG

Tin cùng chuyên mục