Bóng đá Hà Nội

Buồn nhiều hơn vui

Với 2 đại diện Hà Nội ACB và HPHN, nhưng trình độ của bóng đá Hà Nội so với Bình Dương, Đà Nẵng... vẫn có một khoảng cách lớn. Chức vô địch Cúp quốc gia mà HPHN giành được không thể che lấp một sự thật là trình độ của cả 2 đại diện Thủ đô còn thấp so với mặt bằng chung V - League. Niềm vui đoạt Cúp quốc gia của HPHN cũng đồng thời là nỗi buồn của Hà Nội ACB, một đội bóng vẫn được mệnh danh là anh cả về tài chính và lại nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của Sở TDTT thành phố.

  • Hà Nội ACB trả giá vì đã quá thận trọng
Buồn nhiều hơn vui ảnh 1

Trận đấu giữa Hòa Phát Hà Nội và Hà Nội ACB (áo trắng) tại V- League 2006. Ảnh: Quang Thắng.

Bước vào mùa giải 2006, Hà Nội ACB với dàn cầu thủ trẻ mới nổi ở giải U21 đã khởi đầu thuận lợi khi có được những trận thắng trước Bình Dương, Đà Nẵng trên sân nhà, thắng GĐT.LA ngay trên sân Long An.

Sự khởi đầu này có thể coi là một bất ngờ lớn, bởi lối đá phòng ngự phản công truyền thống của Hà Nội ACB chưa bao giờ được giới chuyên môn đánh giá cao. Nhưng xét trên tất cả mọi mặt, sự khởi đầu của Hà Nội ACB  hoàn toàn hợp lô gíc bởi lối chơi phản công ở đầu mùa được xây dựng dựa trên khả năng tạo đột biến của các cầu thủ trẻ: Xuân Thành, Thành Lương, Sỹ Cường và tiền đạo ngoại Mbabazi.

Chính sự mạo hiểm của HLV Hoàng Văn Phúc đã tạo cho các cầu thủ có nhiều cơ hội phát huy khả năng bùng nổ của chính mình. Lối đá phản công đã đưa Hà Nội ACB vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng và giành trọn 3 danh hiệu cá nhân khi kết thúc tháng 4. Khi Hà Nội ACB ngự trị trên bảng xếp hạng, nhiều CĐV đã chờ đợi đội nhà “lột xác” hoàn toàn để tiến những bước dài trên bảng xếp hạng.

Tuy nhiên, ngay khi có được thời cơ thuận lợi để nghĩ tới những mục tiêu cao hơn, BHL Hà Nội ACB đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng khi quyết định đưa các cầu thủ quay trở lại với lối chơi quá thiên về phòng ngự, khiến cho Xuân Thành, Thành Lương không còn phát huy được những tố chất của mình.

Trong khi trên thực tế, họ hoàn toàn có thể chơi tấn công tốt với 3 cầu thủ tổ chức ở hàng tiền vệ là Xuân Thành, Thành Lương, Sỹ Cường và trên hàng công là bộ đôi Mbabazi – Luis. Tiếc rằng những thế mạnh này lại bị BHL bỏ qua và việc Hà Nội ACB chỉ đứng ở vị trí thứ 8 khi kết thúc mùa giải có thể coi là thất bại đau đớn

  • Hoà Phát Hà Nội thành công nhờ lối chơi phòng ngự

Trong khi Hà Nội ACB có được lực lượng dồi dào, HPHN đã phải bước vào mùa giải với lực lượng mỏng và nhiều cầu thủ cao tuổi. Từng có ý định chơi tấn công, nhưng ông Vương Tiến Dũng đã sớm nhận ra là lực lượng của HPHN không cho phép ông thực hiện ý định của mình. Sau chuỗi 5 trận thua, BHL đã đưa các cầu thủ quay trở về với lối đá phòng ngự phản công và họ đã trụ hạng thành công trước 1 vòng đấu. Cái hơn của HPHN so với Hà Nội ACB chính là khát vọng chiến đấu và tinh thần đoàn kết của từng cầu thủ, bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự tinh nhạy của HLV Vương tiến Dũng trong việc nắm bắt thời cơ.

Khi các đội bóng trung bình yếu vẫn đang xoay trở để trụ hạng, ông Dũng đã xác định Cúp quốc gia có thể là sân chơi phù hợp và âm thầm dồn lực cho mục tiêu này. Tranh thủ thời cơ các đội bỏ qua Cúp quốc gia, HPHN đã lần lượt bỏ lại P. SLNA, M.H.Hải Phòng, thắng ngược 4-2 trước Đà Nẵng ở trận bán kết. Khát vọng giành chiến thắng của các cầu thủ HPHN được thể hiện rõ nhất là trong trận chung kết với GĐT.LA. Cũng bị dẫn trước, nhưng HPHN vẫn bền bĩ hứng chịu những đợt tấn công ào ạt của GĐT.LA để rồi hạ gục đối phương bằng đòn phản công sắc bén ở cuối trận.

HPHN giành Cúp quốc gia là một sự cứu vãn đáng kể cho bóng đá Hà Nội. Tuy nhiên, ngay sau niềm vui, bóng đá Hà Nội lại phải đối mặt với những lo toan thường nhật khi cả HPHN và Hà Nội ACB đều vấp phải những khó khăn về lực lượng. Hà Nội ACB có tiền nhưng không thu hút được cầu thủ, trong khi HPHN vẫn phải chấp nhận “ăn đong” để chờ lứa trẻ trưởng thành. Hy vọng, chiếc Cúp quốc gia mà HPHN vừa giành được sẽ tạo đà cho một sự thay đổi toàn diện cả về chất và lượng cho bóng đá thủ đô ở mùa giải 2007.

Thu Quyên

Tin cùng chuyên mục