Bửu An và ước mơ dập lửa

Bửu An và ước mơ dập lửa

Lúc Bửu An học lớp 7, trong một lần trên đường về nhà, bỗng anh phát hiện khói đen mù mịt ở khu xóm của mình. Bửu An cắm đầu chạy về nhà nhưng đến đầu hẻm thì bị chặn lại. Mấy chú cảnh sát PCCC đang lăn xả vào đám cháy để dập tắt vụ cháy. Dù biết ngọn lửa còn cách nhà mình rất xa nhưng khi chứng kiến cảnh tàn phá thảm khốc của ngọn lửa, cảnh bà con hớt hải cõng người già, trẻ nhỏ và di chuyển đồ đạc, Bửu An khóc ròng.

Những năm 80 của thế kỷ trước, tình hình cháy nổ - nhất là tại khu dân cư - gia tăng. Lực lượng chữa cháy tại chỗ được khẩn trương xây dựng tại khu dân cư. Tuy nhiên, trang thiết bị không có và để dập lửa chỉ trông chờ vào lòng dũng cảm! Đời sống người dân còn quá cơ cực, ít ai có đủ khả năng trang bị bình chữa cháy trong nhà. Bột chữa cháy không thiếu nhưng vỏ bình thì thiếu trầm trọng. Anh Bửu An (lúc này đã học xong ngành cơ khí chế tạo máy) tìm cách chế tạo vỏ bình chữa cháy. Sản phẩm của anh đã được thượng tá Võ Công Bình, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC lúc đó đặt ngay 5.000 chiếc. Từ đó, bình chữa cháy “Made in… Bửu An” đã được trang bị tại khu dân cư và góp phần hiệu quả trong việc dập lửa.

Anh Bửu An và xe gắn máy chữa cháy.

Anh Bửu An và xe gắn máy chữa cháy.

Năm 2001, anh Bửu An lại tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi thiết bị chữa cháy mới. Xe gắn máy chữa cháy ra đời, với đầy đủ “đồ chơi”: bình bọt, máy bơm, vòi, túi chứa nước… Anh Bửu An tâm sự: “TP đang đô thị hóa nhưng vẫn còn nhiều con hẻm sâu và hẹp. Với địa bàn như vậy, xe chuyên dụng không thể nào tiếp cận được. Chiến sĩ chữa cháy kéo vòi đến tận nơi cũng gặp không ít khó khăn vì sức nước rất yếu và chỉ có xe gắn máy luồn lách mới vào được tận hiện trường”.

Những ngày đầu, xe gắn máy chữa cháy phát huy tác dụng nhưng khá cồng kềnh, túi nước thì nhỏ xíu; đã vậy mỗi lần dừng xe để thao tác rất khó khăn trong việc “hạ càng” để vận hành máy bơm. Bửu An tiếp tục cải tiến sản phẩm của mình. Xe 2 bánh thành 3 bánh để cơ động hơn, túi nước xếp gọn và có dung tích nhiều hơn… Mới đây, anh Bửu An hồ hởi khoe: “Xe gắn máy chữa cháy đã hoàn thiện nhiều rồi. Máy bơm đã tiếp xúc được với các họng nước chữa cháy, bà con không cần phải bưng từng xô nước đổ vào túi như trước!”.

Với tính năng cơ động tại hẻm sâu và nhỏ hẹp, nhiều quận, huyện và cả tận nước bạn Campuchia cũng đã không tiếc tiền để trang bị cho lực lượng chữa cháy tại chỗ của mình.

Cách đây vài năm, rừng quốc gia U Minh đã bị ngọn lửa tàn phá. Sông ngòi, kênh rạch chằng chịt trong rừng, máy bơm rất khó vào đến tận hiện trường. Thế là ý tưởng sản xuất ca-nô chữa cháy dần hình thành trong đầu Bửu An. Anh cho biết: “Chiếc ca-nô vận hành như máy cày, ở trên bờ thì nó hoạt động trên mọi địa hình và xuống nước thì nó trở thành cánh quạt, giúp ca-nô chạy nhanh. Khi đến nơi xảy ra cháy thì chuyển chế độ thành máy hút và bơm nước”.

Tuy tính năng là vậy nhưng đến nay chiếc ca-nô này vẫn chưa một lần “hạ thủy” vì các cơ quan chức năng chưa cho phép. Theo anh Bửu An, nếu đem ra sông Sài Gòn thử cũng được nhưng điều chỉnh các chi tiết để vận hành ca-nô lại đòi hỏi máy móc lỉnh kỉnh và mất thêm một thời gian nữa. “Khó mấy cũng làm vì nếu thành công thì phương tiện này sẽ rất hiệu quả trong công tác tuần tra và khống chế ngọn lửa từ đầu” - anh Bửu An cho biết.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục