BV Nhi đồng 1 vi tính hóa quản lý hành chính : Một người làm thay công việc của cả chục người

Tại khoa Nội tổng quát 1, Bệnh viện Nhi đồng 1, chị Đoàn Thị Thu Nhớ, nhà ở quận Tân Bình bồng đứa con gái 2 tháng tuổi ra làm thủ tục xuất viện. Cô điều dưỡng ngồi trước máy tính gõ gõ mấy chữ rồi làm một cú “click chuột”. Toàn bộ hồ sơ, vật liệu, thuốc men điều trị của em bé trong thời gian nằm viện hiện ra. Lại một cú “click chuột” nữa, máy in chạy rào rào. Chị Nhớ nhận hồ sơ và cầm xuống phòng thanh toán viện phí. Tất cả chỉ mất có vài phút...

  • Hết thời ghi sổ, chép tay

Chị Nhớ cười thiệt tươi: “Làm thủ tục trong bệnh viện giờ khỏe quá! Hồi trước, bác sĩ cho xuất viện buổi sáng thì tới trưa, chiều, có khi qua bữa sau mới ra viện được vì phải chờ mấy cô y tá lôi cả đống sổ ra làm giấy tờ, ký tới mấy tờ giấy, kiểm tra số thuốc, ống chích mấy lần mà còn sai lên sai xuống!”.

Cầm xấp hồ sơ bệnh án của bệnh nhân từ máy in ra, y tá chính Phan Thị Bạch Thủy nói: “Hồi trước, em phải ôm tới cả chục cuốn sổ, giờ chỉ còn mấy tờ giấy này thôi hà!”…

BV Nhi đồng 1 vi tính hóa quản lý hành chính : Một người làm thay công việc của cả chục người ảnh 1

Làm thủ tục xuất viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Kết quả khám bệnh của bác sĩ được nhập liệu vào máy tính hàng ngày. Ảnh: M.Hg

Giữa năm 2004, khi Bộ Y tế triển khai việc khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, các bệnh viện nhi như bị tách ra làm hai. Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng không nằm ngoài tình trạng đó. Tất cả các khâu từ tài chính kế toán, vật liệu, kho dược… đều phải làm riêng cho đối tượng trẻ dưới 6 tuổi.

Trong thanh quyết toán, việc tách bạch đâu là khoản chi cho trẻ dưới 6 tuổi cũng rất phức tạp do sổ sách, chứng từ phải làm riêng. Công việc hành chính tăng lên gấp đôi nhưng nhân sự của bệnh viện lại không tăng.

Thêm vào đó, liều thuốc cho trẻ là liều nhỏ, lẻ, thay đổi dựa theo cân nặng của trẻ, trong khi người lớn chỉ một loại liều và đơn vị là ống, viên. Thủ tục lãnh thuốc bao gồm 8 sổ, vừa ghi vừa kiểm tra 2 lần rất mất công và tốn thời gian, chưa kể sự cố khi chữ viết của bác sĩ, điều dưỡng khó đọc, ghi chép thiếu chi tiết, sai vị trí, tính toán sai.

Một hồ sơ ra viện phải qua tay rất nhiều y tá, điều dưỡng. Thống kê năm 2005, những sai sót này xảy ra thường xuyên với tỷ lệ 17%-28%. Bệnh viện thường bị thân nhân người bệnh than phiền. Trước khó khăn đó, ban giám đốc bệnh viện quyết định phải có cách làm mới: ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, đặc biệt là khâu tài chính, vật tư và thu viện phí.

Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 kể: “Cấp trên chưa có nguồn kinh phí cho việc vi tính hóa nên bệnh viện phải tự cân đối thu chi. Không có tiền thuê chuyên gia viết phần mềm, nhân viên kỹ thuật trong viện mày mò tự làm. Trầy trật đúng một năm, cuối cùng, phần mềm cũng viết xong”.

Khi bác sĩ Thượng quyết định chọn Khoa Thận làm thí điểm về việc quản lý bằng vi tính, nhiều người can: Khoa ấy phức tạp, bệnh nhân đủ dạng, từ người già, trẻ con, diện BHYT, diện có thu phí và diện trẻ dưới 6 tuổi, phần mềm “cây nhà lá vườn” thế, biết có “chạy” nổi không? Trước những lời bàn ra, ban giám đốc bệnh viện dứt khoát: Phải thử ở khoa khó nhất. Nếu ở nơi khó nhất mà làm được thì những nơi khác cũng làm được. Và rồi, kết quả đạt được hơn cả mong đợi.

Từ thành công ban đầu, mỗi quý, bệnh viện vi tính hóa thêm 3-4 khoa. Đến nay, toàn bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính. Toàn bộ thông tin về bệnh nhân và hoạt động điều trị được nhân viên nhập liệu mỗi ngày, đến lúc cần chỉ việc mở mạng.

Một nhân viên nhập liệu ở mỗi khoa làm thay công việc lúc trước của cả chục người. 4,5km đường dây nối mạng cho 200 máy tính đặt rải rác khắp các khoa là thành quả cố gắng của toàn thể cán bộ công nhân viên bệnh viện.

  • Tăng cường đối thoại với người bệnh

Thay vì họp hội đồng thân nhân 1 lần/tháng, đến nay, ban giám đốc bệnh viện tăng cường họp 2 lần/tháng. Những góp ý của người nhà bệnh nhân: từ chuyện cái phòng vệ sinh còn thiếu, chưa sạch; bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ còn dở cho tới chuyện cô y tá này chưa nhiệt tình, chị điều dưỡng kia hay nổi quạu được tới thẳng giám đốc.

Giám đốc Tăng Chí Thượng tâm sự: “Những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ đó lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phục vụ của bệnh viện. Sau những lần họp, thấy góp ý nào xác đáng, chúng tôi cho làm ngay. Mỗi bệnh nhân ra viện đều được phát phiếu góp ý. Riêng khu phòng khám, mỗi ngày, bệnh viện phát ngẫu nhiên 30-40 phiếu khảo sát sự hài lòng của bệnh nhân vào nhiều thời điểm khác nhau. Từ đây, phía bệnh viện biết ngay những gì mình làm được, những gì chưa làm được để chấn chỉnh”.

Số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện 2 năm nay chưa bao giờ bị gián đoạn. Ngoài số máy bàn, bệnh viện còn có thêm số di động nóng do bác sĩ trực giữ. Các bác sĩ kể: “Nhiều bữa nửa đêm cũng có người gọi, không phải phản ánh chuyện bức xúc mà hỏi: “Bác sĩ ơi, thằng nhỏ nhà tui đang đêm tự nhiên sốt cao, tui lo quá…”. Gặp những cú điện thoại “lạc đề” như thế, chúng tôi cũng tận tình giải thích, tư vấn nhanh cho người nhà bệnh nhân”.

Trang web của bệnh viện mới ra đời chưa đầy năm nhưng cũng nhận được khoảng 1.000 lượt truy cập mỗi ngày. Đặc biệt, các máy tính ở phòng ban giám đốc luôn online để cập nhật những thắc mắc của bệnh nhân gửi đến. Từ đây, tùy vào tính chất câu hỏi, giám đốc sẽ phân về cho các khoa trả lời.

  • Mơ ngày bác sĩ được online

Bác sĩ Đỗ Văn Niệm, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết: “200 máy tính của bệnh viện phần lớn tập trung cho khâu hành chính. Riêng khu khám và điều trị ngoại trú, bác sĩ vẫn ghi chép, cho toa trên đơn. Khu khám nội trú, bác sĩ vẫn chép tay, sau đó nhân viên nhập liệu mới nhập vào máy. Tuy chúng tôi đã phối hợp rất nhịp nhàng nhưng thực chất vẫn còn khâu trung gian”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng khoa Nội tổng hợp ước: “Phải chi từng bác sĩ được làm việc trực tiếp, cho toa trực tiếp, chỉ định y khoa trực tiếp trên máy tính cá nhân của mình thì tiện lợi biết mấy”. Nghe bác sĩ Thoa nói vậy, bác sĩ Niệm cười, chỉ vô tập biểu mẫu của Bộ Y tế ban hành nói: “Muốn vậy, ngoài chuyện có tiền, còn phải chờ Bộ Y tế cho phép. Chứ bộ đã phát các loại biểu mẫu, sổ sách này, cấp dưới mà không dùng cũng không được!”. 

ĐOÀN MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục