Ca Huế - nguồn cội âm nhạc thính phòng

Ca Huế - nguồn cội âm nhạc thính phòng

Ca Huế có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển nền âm nhạc cổ của người Việt. Đó còn là nguồn cội âm nhạc thính phòng đờn ca tài tử Nam bộ và miền Bắc với dàn nhạc bát âm… Việc đề nghị Bộ VH-TT-DL đưa Ca Huế vào danh mục các di sản đệ trình UNESCO là hoàn toàn xứng đáng. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo khoa học cấp quốc gia đầu tiên về Ca Huế được tổ chức tại TP Huế vào ngày 22-9, nhân dịp tỉnh này long trọng tổ chức lễ đón bằng của Bộ VH-TT-DL công nhận Ca Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sản phẩm âm nhạc cung đình

Dựa vào các yếu tố lịch sử, địa văn hóa Huế cũng như các đặc điểm nghệ thuật có thể đoán định, Ca Huế phát sinh từ chốn cung đình vào khoảng thế kỷ 17. Đó là sự khác biệt so với lối hát Ả Đào - loại nhạc thính phòng của giới nho sĩ Bắc Hà phát sinh từ lối hát thờ, hát cửa đình rồi vào chốn cung đình. Nhạc sĩ Vĩnh Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc thuộc Học viện Âm nhạc Huế nhìn nhận, nếu kinh đô Thăng Long xưa từ trong cung phủ đã có một lối hát cửa quyền, nguồn gốc dân gian. Sau này, lối hát ấy phát tán thành một thành phần cổ truyền chuyên nghiệp là hát Ả Đào (Ca trù) vẫn thịnh đạt thời vua Lê, chúa Trịnh thì ở kinh đô Phú Xuân - Huế sau này, hoặc đã từ trong cung phủ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong phát tán thành một lối gọi là Ca Huế.

Biểu diễn Ca Huế tại đình làng Kim Long (TP Huế)

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng Ca Huế có hệ thống bài bản phong phú với khoảng 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc theo ba điệu thức lớn là điệu Bắc, điệu Nam và điệu Nam Xuân. Dù theo điệu thức nào, bài bản Ca Huế cũng luôn tuân thủ theo cấu trúc chặt chẽ, nghiêm ngặt, mang nhiều yếu tố “chuyên nghiệp” về cấu trúc, ca từ và những giai điệu mượt mà, trữ tình đằm thắm, gắn với khung cảnh hiền hòa, thơ mộng sông Hương, núi Ngự là nét đặc trưng của xứ Huế. Đi liền với Ca Huế là dàn nhạc đệm với bộ ngũ tuyệt: tranh, tỳ, nhị, nguyệt, tam, xen với bầu, sáo. Ngoài ra còn có song loan là một loại nhạc cụ gõ bằng gỗ do ca nương gõ nhịp hoặc một nhạc công kẹp dưới bàn chân để điểm nhịp khi biểu diễn từng bài Ca Huế.

Đề nghị UNESCO vinh danh

Phát sinh từ chốn cung đình, mang nét phong lưu, quý phái, song Ca Huế không hoàn toàn ràng buộc bởi những khuôn khổ, quy tắc nghiêm ngặt của âm nhạc bác học, mà vẫn thể hiện tính sinh động, mềm dẻo (tương đối) của nó khi ở thính phòng cũng như khi lên sân khấu sau này. GS-TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn học dân gian Việt Nam nhìn nhận, khởi đầu Ca Huế là âm nhạc thính phòng của các vị hoàng thân quốc thích hòa tấu nhạc cụ chủ yếu là các bài Tiểu nhạc và Nhã nhạc. Về sau, Ca Huế theo chân các vị quan nhạc triều Nguyễn thì vốn âm nhạc chuyên nghiệp Huế đã thâm nhập cộng đồng cư dân Việt ở Nam bộ để tỏa sáng, phát triển thành cả một dòng nhạc thính phòng mới giàu có về bài bản, đa dạng về sắc thái, tươi tắn về cảm xúc là đờn ca tài tử Nam bộ. Ngoài ra, có thể Ca Huế còn là một trong những cội nguồn để hình thành nên dòng nhạc bát âm miền Bắc. Th.S Phan Thuận Thảo, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Dân tộc nhạc học thuộc Học viện Âm nhạc Huế cho rằng, ngoài việc tiếp cận một số bản nhạc cung đình, Ca Huế đã tiếp nhận vào mình một số yếu tố của các loại hình âm nhạc khác. Một số điệu hò, lý, chầu văn của dân gian Huế đã được tiếp nhận vào nhạc mục Ca Huế. Từ những làn điệu dân ca chất phác, mộc mạc khi được du nhập vào Ca Huế đã khiến giai điệu của chúng trở nên trau chuối và mượt mà hơn bởi những luyến láy tinh xảo, phần lời ca mang tính học thuật cao hơn để phù hợp với tầng lớp nho sĩ trí thức.

Ở khía cạnh khác, nhiều đại biểu đồng ý với quan điểm, Ca Huế là một trong ba thể loại ca nhạc thính phòng của Việt Nam có nguồn gốc hình thành và phát triển lâu đời, có giá trị nghệ thuật cao, là tài sản chung của dân tộc. Nhưng hiện nay không gian diễn xướng tại các tư gia (hay gọi là ca Salon) hầu như không còn. Chỉ còn lại không gian Ca Huế ở du thuyền trên sông Hương, như một món quà, món ăn tinh thần đối với du khách mỗi khi đến Huế. Cùng với đó, do nhu cầu phục vụ đại chúng nên Ca Huế trên sông Hương dần biến dạng, những bản cổ của Ca Huế như: Quả phụ, Nam Xuân, Nam Ai, Phú Lục, Tứ Đại Cảnh… gần như vắng bóng. Thay vào đó là phần lớn biểu diễn các làn điệu dân ca, các điệu lý, dẫn đến việc biến dạng hình thức diễn xướng Ca Huế, gây sự hiểu lầm với du khách, nhất là những người đang tìm đến Ca Huế với lòng đam mê.

Th.S Nguyễn Thị Thu Trang, Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ VH-TT-DL cho rằng, Ca Huế được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ tạo cơ hội để tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị. Qua đó, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa, góp phần khẳng định vị thế của một trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước. Đây cũng là điều kiện cần thiết để xây dựng bộ hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh vào một trong các danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Nhưng trước hết, Ca Huế cần tiếp tục được nghiên cứu kỹ lưỡng để làm sáng tỏ những giá trị nổi bật với sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của nhân loại. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng để đạt được sự hiểu biết đầy đủ về di sản và sự đồng thuận, tự nguyện bảo vệ di sản của chính họ.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục