Ngày 22-7, trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, với số ca mắc liên tục tăng cao tại Hà Nội, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu nâng mức nguy cơ trong các kịch bản phòng chống dịch từ thành phố xuống cơ sở; ưu tiên tập trung chuẩn bị phương án điều trị khi số lượng F0 tăng cao, nhất là điều trị bệnh nhân nặng; coi hạn chế rủi ro, bảo vệ tính mạng người dân là nhiệm vụ ưu tiên số 1.
Để thực hiện mục tiêu trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội giao cho Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này. Thay vì kịch bản bố trí 5.000 giường bệnh điều trị F0 hiện tại, phải chuẩn bị phương án bố trí 10.000 giường, 20.000 giường và khi cần thiết có thể tăng mức cao hơn.
Đi kèm với mỗi kịch bản phải bảo đảm chuẩn bị đủ cơ sở vật chất và con người; có phương án dự trữ hoặc huy động tương ứng, không để bị thiếu giường bệnh, thiếu máy thở, thiếu thuốc men, thiếu y bác sĩ, điều dưỡng. Trước mắt, nâng số giường bệnh dự phòng tại các cơ sở y tế thành phố quản lý bao gồm cả hệ thống công lập và tư nhân.
UBND TP Hà Nội làm việc ngay với các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý trên địa bàn để phối hợp thực hiện công tác chuẩn bị điều trị F0; triển khai củng cố, mở rộng các khoa hồi sức tích cực để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Nâng cao năng lực điều trị phải được chuẩn bị đồng bộ với giải pháp phân luồng, phân loại bệnh nhân để tiếp nhận kịp thời, cấp cứu nhanh, điều trị hiệu quả, hạn chế thấp nhất rủi ro tính mạng cho người dân.
Yêu cầu chuẩn bị ngay việc thiết lập các bệnh viện dã chiến, Bí thư Thành ủy nêu rõ nòng cốt thực hiện nhiệm vụ này là các lực lượng Quân đội, Công an vận hành bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn; ngành y tế chịu trách nhiệm chuyên môn, điều trị. Cấp ủy Đảng, Chính quyền các địa phương phải phối hợp chặt chẽ, trước hết phải chuẩn bị ngay về địa điểm, rà soát để trưng dụng một số nhà chung cư chưa bàn giao, nhà thi đấu, trung tâm văn hóa thể thao... phục vụ thiết lập bệnh viện dã chiến.
Ngành y tế phải có phương án bố trí đủ số lượng cán bộ y bác sĩ, huy động sinh viên các trường y, dược tham gia vào hệ thống điều trị của Thành phố, huy động hỗ trợ từ các tỉnh, thành phố khác. Số lượng bảo đảm phù hợp với các kịch bản giường bệnh, bệnh viện dã chiến; được đánh giá cụ thể về chất lượng để có phương án đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện ngay. Đồng thời, phải tăng cường năng lực xét nghiệm, có phương án xét nghiệm diện rộng cho kết quả nhanh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội chỉ đạo bố trí các khu cách ly trên địa bàn, bảo đảm phương án sẵn sàng cách ly cho 30.000-50.000 người. Địa điểm cách ly ưu tiên ở ngoại thành nơi có không gian thoáng rộng, tách biệt với dân cư; giao cho các đơn vị Quân đội lên phương án sử dụng trường học, ký túc xá, khu quân sự thành cơ sở cách ly, điều trị tập trung cho các trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ.
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính từ 8 giờ 30 phút đến 13 giờ ngày 22-7, Hà Nội đã công bố 51 ca dương tính được ghi nhận tại nhiều quận, huyện của thành phố, trong đó có một số trường hợp được phát hiện qua sàng lọc người có biểu hiện ho, sốt. Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 tới nay), Hà Nội đã có hơn 600 ca mắc Covid-19.