Phong trào xây dựng nông thôn mới hiện đang được các địa phương triển khai rầm rộ trong cả nước. Làm sao để phong trào có những bước đi chắc chắn, thực sự mang lại hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân đúng như mục tiêu Nghị quyết Trung ương 7 về “tam nông” đã đặt ra.
Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài “Cả nước thi đua xây dựng nông thôn mới”, nhiều chuyên gia nông nghiệp, nông thôn cũng như chính quyền địa phương đã hiến kế một số giải pháp thúc đẩy phong trào phát triển mạnh hơn.
- Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Gắn nông thôn mới với dồn điền đổi thửa
Ngay sau khi có Nghị quyết Trung ương 7 về “tam nông”, tỉnh Thái Bình đã triển khai xây dựng nông thôn mới, trước cả khi có Quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi thành lập Ban chỉ đạo phong trào xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thái Bình đã chọn 8 xã của 8 huyện để làm điểm. Trong quá trình làm, theo chúng tôi điều quan trọng nhất là phải làm được khâu quy hoạch, đây cũng là bước đầu tiên để xây dựng nông thôn mới và cũng là khâu khó nhất. Thứ hai, làm sao để nâng cao thu nhập cho bà con. Để làm việc này, tỉnh Thái Bình đã tổ chức chỉnh trang lại ruộng đồng để sản xuất bằng việc dồn điền, đổi thửa (mỗi hộ chỉ còn 1-1,5 thửa), trước mắt chúng tôi đã hoàn thành ở 8 xã điểm. Sau khi hoàn thành, chúng tôi đã huy động được sức dân tham gia đắp các bờ vùng, bờ thửa, rồi đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng bằng cách hỗ trợ người dân mua máy móc theo phương án: nông dân bỏ 50% chi phí, tỉnh hỗ trợ 50%...
- TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và phát triển nông nghiệp, nông thôn: Thu hút doanh nghiệp vào nông thôn mới
Phát triển nông thôn không thể chỉ trông cậy vào kinh phí nhà nước mà chúng ta phải huy động tổng lực mọi nguồn lực ngay từ bây giờ. Thứ nhất, từ đóng góp của nhân dân. Người dân thì có sức lực, đất đai, đó là nguồn vốn khá lớn cho xây dựng nông thôn mới. Thứ hai, phải thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn. Doanh nghiệp là đối tượng đầu tư lớn nhất trong xã hội. Để thu hút được doanh nghiệp, Nhà nước phải có cơ chế để doanh nghiệp thấy việc đầu tư vào nông thôn là có lợi. Thứ ba, có thể thu hút nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng lớn.
Tuy nhiên, có tiền rồi thì vấn đề quan trọng là quản lý đầu tư như thế nào cho hiệu quả. Câu hỏi quản lý đầu tư thế nào cũng như làm sao để thu hút được doanh nghiệp phải bắt đầu từ câu trả lời của người dân. Để xây dựng nông thôn mới, chính người dân phải đứng ra điều chỉnh, giám sát quá trình đầu tư và hưởng lợi từ quá trình đầu tư thì vốn sẽ về nông thôn. Cơ chế để thu hút doanh nghiệp là các chính sách thoáng về đất đai, mức hỗ trợ... Nếu doanh nghiệp xây dựng một nhà máy để tạo việc làm cho xã thì phải hỗ trợ họ đường, áp mức thuế đất đai thấp...
- Ông Tăng Minh Lộc - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT): Nâng cao nhận thức của dân về nông thôn mới
Mục tiêu của việc xây dựng nông thôn mới là để nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Sau 2 năm thực hiện thí điểm tại 11 xã, có thể khẳng định, việc chọn cấp xã là hoàn toàn đúng, bởi xã có đủ bộ máy để tổ chức, có tính cộng đồng cao. Hình hài của nông thôn mới đã hình thành, tuy mức độ khác nhau nhưng sau 2 năm, tất cả các xã đều đạt được thêm ít nhất 4 tiêu chí. Nhận thức của cán bộ, người dân cũng được nâng lên rõ rệt, tạo tâm thế cho người dân hoạt động, hướng về nông thôn mới.
Tuy nhiên, cũng có khó khăn là ở nhiều nơi cán bộ cũng như người dân hiểu sâu về nông thôn mới còn rất nhiều hạn chế, nên khi triển khai thường bị động, lúng túng. Đó là chưa kể tư tưởng ngóng chờ ngân sách Nhà nước rất lớn. Ngoài ra, khi triển khai, các xã thường chú trọng cơ sở hạ tầng trong khi vấn đề sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa cho người dân lại chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, mục tiêu ngay trong thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh quy hoạch tại các xã, sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ xã về cách xây dựng nông thôn mới, cách tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân tham gia xây dựng nông thôn mới.
Phúc Hậu