Ngày 9-7, hầu hết đại diện các bộ đã phủ quyết mô hình công ty cổ phần mua bán điện duy nhất do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất, xây dựng.
Chưa chín muồi
Cuộc họp lấy ý kiến do Bộ Công nghiệp tổ chức nói trên là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, khi EVN đệ trình Thủ tướng thông qua đề án thành lập công ty cổ phần mua bán điện, Báo SGGP đã có loạt bài phản ánh các ý kiến của các chuyên gia phản đối mô hình này. Hôm qua, một lần nữa, đại diện các bộ đã không ủng hộ mô hình đó, dù lãnh đạo EVN đã đưa ra nhiều lý lẽ, dẫn chứng chứng minh mô hình nói trên là phù hợp.
Đại diện Văn phòng Chính phủ cho rằng Bộ Công nghiệp và EVN nên cân nhắc gợi ý của Ngân hàng Thế giới (Báo SGGP đã đưa tin). Dư luận đặt câu hỏi tại sao chỉ thành lập có một công ty mua bán điện, EVN đã giải thích rõ rồi, song cũng nên giải thích thêm vì khi một công ty hoạt động được 7 năm, đến 2014 mới ra đời thêm các công ty mua bán điện khác thì những công ty mới có cạnh tranh nổi với anh đã 7 tuổi không? Như vậy có hợp lý không. Đồng thời, việc EVN đưa ra mô hình có 3 quốc gia thành lập công ty mua bán điện là quá ít, chưa thuyết phục.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng phải đến năm 2010 - thời điểm theo lộ trình Chính phủ sẽ cho phép giá điện từng bước tiệm cận với chi phí đầu vào - thì mới là thời điểm chín muồi để EVN triển khai thành lập công ty cổ phần mua bán điện.
Theo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công nghiệp) Đặng Hùng, do giá điện thực tế chưa tiệm cận tới chi phí sản xuất, truyền tải điện, biểu giá bán lẻ vẫn phải được Chính phủ quy định thì mô hình công ty cổ phần mua bán điện sẽ dẫn tới rủi ro cho các công ty phân phối vì các công ty này sẽ phải mua giá điện đầu vào tăng cao, trong khi giá bán ra lại cố định. Đến lượt các công ty phân phối để đảm bảo mức lợi nhuận cho phép khi giá điện đầu vào bị tăng cao, nếu không gây sức ép đòi tăng giá bán lẻ đẩy toàn bộ rủi ro cho người tiêu dùng thì bản thân các công ty sẽ phá sản.
Thà để EVN độc quyền còn hơn cổ phần
Vẫn theo Cục trưởng Đặng Hùng, vấn đề lớn nhất lúc này là phải bảo đảm cung cấp ổn định, đủ điện cho nền kinh tế và thực hiện chính sách bù giá điện để giảm gánh nặng cho nông dân. Vì vậy, việc chưa ban hành cơ chế công ích để đảm bảo cung ứng điện cho những khu vực nông thôn miền núi còn kém phát triển càng khiến đề án công ty mua điện kém tính khả thi. Vì “ai sẽ là người đảm nhiệm kinh doanh ở lĩnh vực chẳng nhìn thấy lời này?”. Và, các Công ty Điện lực 1, 2, 3 (trực thuộc EVN) có tỷ trọng điện nông thôn cao sẽ phải mua điện theo giá nào để khỏi gánh lỗ khi mà hiện nay đang được EVN hạch toán chung toàn ngành?
EVN nợ dây dưa trên 150 tỷ đồng tiền điện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) vừa một lần nữa gửi công văn đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký hợp đồng và thanh toán tiền điện đã mua từ Nhà máy điện Cà Mau của PetroVietnam. K.Q. |
Một số đại biểu khác cũng thống nhất cho rằng mô hình công ty cổ phần sẽ chạy theo lợi nhuận, hạch toán độc lập nên khó có thể làm nhiệm vụ mua đắt bán rẻ (ví dụ mua của Nhà máy điện Hiệp Phước 12 cent, bán lại giá có 4 cent/kWh) như hiện nay. Đó là chưa nói đến việc tổ chức mô hình công ty cổ phần mua bán điện có sự tham gia của các cổ đông vừa là người bán, vừa là người mua hoàn toàn trái với Quyết định 26 của Chính phủ phê duyệt lộ trình các cấp độ thị trường điện. Việc chuyển chức năng bán buôn điện từ EVN sang công ty mua bán điện theo hình thức cổ phần rõ ràng đã không giải quyết được những mâu thuẫn chồng chéo trong chính ngành điện hiện nay, đặc biệt là cơ chế bù chéo, hỗ trợ giá điện cho nông dân vốn lên tới khoảng 4.000 tỷ đồng/năm như hiện nay.
Tại cuộc họp, EVN đã đưa ra thêm 2 mô hình khác thay vì chỉ thành lập công ty cổ phần đề xuất trước đây. Đó là mô hình thành lập công ty cổ phần mà EVN không tham gia góp vốn và công ty nhà nước hoạt động phi lợi nhuận. Khẳng định nhiều vấn đề EVN đưa ra là thực tế, có cơ sở, trong đó có “khuyết tật” của mô hình công ty nhà nước hoạt động sẽ khó hòa nhập với cơ chế thị trường, dễ phát sinh cơ chế xin - cho, có thể xảy ra tiêu cực trong quá trình mua bán điện... nhưng các ý kiến cho rằng chính EVN phải đảm đương nhiệm vụ mua, bán điện. “Dù mô hình này được thiết kế thế nào đi nữa thì mục đích cao nhất vẫn phải đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế với giá cả hợp lý, kể cả là mô hình độc quyền nhà nước cũng tốt”, ông Đặng Hùng nói. Một số ý kiến đại diện cho các bộ cũng đề nghị trước mắt vẫn để EVN độc quyền mua bán điện. Nếu có thành lập công ty, theo Bộ Tài chính thì vẫn nên để trực thuộc EVN.
Nam Quốc
- Về thành lập CTCP mua bán điện, Bộ trưởng Bộ CN Hoàng Trung Hải: Phải có ý kiến của 3 bộ