Các bước chuẩn bị cho buổi phỏng vấn

Các bước chuẩn bị cho buổi phỏng vấn

Việc chuẩn bị cho buổi phỏng vấn đóng vai trò quyết định sự thành công của bạn trước nhà tuyển dụng. Sau đây là một số nội dung các bạn cần chuẩn bị kỹ trước buổi phỏng vấn:

1. Nghiên cứu về công ty bạn đang chuẩn bị phỏng vấn: sản phẩm, dịch vụ, thị trường, đối thủ cạnh tranh, xu hướng phát triển, hoạt động hiện tại, những ưu thế và những hạn chế của công ty. Một điều không thể thiếu là bạn phải truy cập và nắm bắt toàn bộ các thông tin liên quan có trong trang web của công ty.

Các bước chuẩn bị cho buổi phỏng vấn ảnh 1

Tư vấn tìm việc làm cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Niên TPHCM.

2. Viết ra giấy các nội dung chuẩn bị những câu hỏi liên quan mà nhà tuyển dụng thường hỏi như chức năng nhiệm vụ công việc mà bạn đang ứng tuyển, tố chất và kỹ năng cho loại công việc này, những kinh nghiệm hoặc thành công của bạn trong quá khứ, cách tiếp cận công việc, điểm mạnh của bạn, mức lương mà bạn sẽ đề nghị ….

3. Chuẩn bị CV/resume thật tốt: hình thức trình bày đẹp, không sai sót các lỗi chính tả và nên có hình kèm theo; nội dung nêu lên được các điểm mạnh của bạn phù hợp với chức danh công việc mà bạn ứng tuyển. Nên chuẩn bị thêm ít nhất 2 bản khi đi phỏng vấn (một cho chính bạn và một để dành trong trường hợp người phỏng vấn có đưa thêm đồng nghiệp).

4. Nên sưu tầm và mang theo những tài liệu liên quan đến lĩnh vực chuyên môn và các thông tin liên quan đến doanh nghiệp tuyển dụng: brochure công ty, các bản tin nội bộ hoặc các bài báo viết về công ty, những tạp chí liên quan đến thị trường của công ty; các thông tin liên quan đến đối thủ cạnh tranh để trình bày và minh chứng trước nhà tuyển dụng.

5. Bạn phải chuẩn bị trao đổi trước với các cá nhân mà bạn đề nghị tham chiếu trong hồ sơ của bạn để họ vui lòng và đáp ứng các nội dung tham chiếu liên quan khi nhà tuyển dụng cần.

6. Chọn trang phục gọn gàng, sạch sẽ và nghiêm túc; nên đến trước giờ hẹn phỏng vấn 10 phút để chuẩn bị và thư giãn.

7. Chuẩn bị tâm lý tốt cho buổi phỏng vấn: thể hiện sự tự tin, nhiệt tình, tỉnh táo và tinh thần tích cực cũng như mục tiêu nghề nghiệp mà bạn dự tuyển.

8. Cố gắng thu thập những điểm mạnh hay hạn chế của bạn thông qua các bài kiểm tra cá nhân (test sơ tuyển), cần chuẩn bị các câu trả lời cho các điểm còn hạn chế của bạn thể hiện qua bài test sơ tuyển.

9. Trả lời nhắn gọn các câu hỏi phỏng vấn, đưa các câu hỏi mở để nhà tuyển dụng chú ý vào các thế mạnh mà bạn muốn trình bày, phong cách tự tin và thân thiện, cuối cùng không quên cảm ơn các nhà tuyển dụng đã dành thời gian phỏng vấn bạn. 

CAO MINH NHỰT

Tin cùng chuyên mục