Đồng bằng sông Cửu Long

Đẩy mạnh chương trình xuất khẩu lao động

Đẩy mạnh chương trình xuất khẩu lao động

Tháo gỡ vướng mắc về vốn vay, tạo nguồn lao động có chất lượng và giảm chi phí cho lao động xuất khẩu - đó là những vấn đề được mổ xẻ tại Hội nghị thông tin về xuất khẩu lao động (XKLĐ) do Hiệp hội XKLĐ, Bộ LĐ-TB-XH và Ngân hàng Thế giới tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 7-3-2006.

  • Cạnh tranh thiếu lành mạnh-lao động lãnh đủ

Đẩy mạnh chương trình xuất khẩu lao động ảnh 1

Lao động sản xuất lưới.

Có một nghịch lý đang tồn tại là người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài đang rất thiếu thông tin chính thống, và ngược lại doanh nghiệp XKLĐ có nhu cầu tuyển lao động nhưng không tìm ra nguồn. Bên cạnh đó, để có hợp đồng đưa lao động đi nước ngoài làm việc, bằng mọi giá nhiều doanh nghiệp XKLĐ sẵn sàng chi hoa hồng, phí môi giới quá cao cho đối tác.

Nhận định về vấn đề bức xúc chung này, ông Nguyễn Xuân An, Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ, cho rằng sự cạnh tranh thiếu lành mạnh này là “thủ phạm” đẩy chi phí môi giới, phí tuyển dụng lên cao. Cuối cùng gánh nặng tài chính đè lên vai người lao động vốn đã nặng càng nặng hơn.

Đưa ra giải pháp hạn chế tình trạng này, các công ty XKLĐ cho rằng cần quy định mức sàn thu phí tuyển dụng lao động ở các địa phương. Riêng vấn đề nhạy cảm “chi hoa hồng, phí môi giới” sao cho hợp lý, nhiều ý kiến thống nhất là các thành viên của Hiệp hội XKLĐ nên sát cánh, ngồi lại với nhau để bàn một mức chi hợp lý.

Ngoài mổ xẻ và tìm cách tháo gỡ những vướng mắc trên để giảm chi phí thấp nhất cho người lao động trước khi đi nước ngoài làm việc, hội nghị còn bàn thảo nhiều vấn đề bức xúc khác như kết nối thông tin giữa nhu cầu tuyển dụng và tìm người, nâng cao chất lượng đào tạo, hỗ trợ vốn vay, chuẩn bị nguồn XKKĐ ở khu vực ĐBSCL.

Trước thực trạng chất lượng lao động xuất khẩu chưa đảm bảo yêu cầu của đối tác nước ngoài, nguồn tuyển bấp bênh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, Nguyễn Lương Trào yêu cầu các địa phương phải có chính sách tuyển chọn lao động có đủ phẩm chất, đạo đức, tác phong, kỷ luật tốt để có kế hoạch đầu tư đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho họ trước khi đi nước ngoài làm việc.

Theo ông, do không làm tốt khâu tuyển chọn, đào tạo, giáo dục định hướng nên khi ra nước ngoài làm việc lao động của ta bỏ trốn với tỷ lệ cao, ý thức chấp hành luật pháp kém hơn so với lao động của các nước khác. Đã có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra như ẩu đả, đánh nhau, đình công khiến lao động VN phải về nước trước thời hạn. Nhằm hạn chế tình trạng vi phạm hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm việc, Bộ LĐ-TB-XH sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan ban hành 4 thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 141/CP của Chính phủ về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về XKLĐ.

Theo đó, biện pháp chế tài sẽ chặt chẽ, nghiêm khắc hơn. Ngoài quy định trách nhiệm bảo lãnh cho lao động xuất khẩu, các thông tư này còn quy định việc xử lý lao động bỏ trốn ở nước ngoài, trình tự, thủ tục xử lý các tranh chấp phát sinh giữa người lao động và doanh nghiệp XKLĐ…

  • Tháo gỡ rào cản vốn vay

Tuy khởi động chủ trương XKLĐ hơi muộn so với nhiều tỉnh - thành khác trong cả nước nhưng các tỉnh ở ĐBSCL đã nhận thức đúng và đưa ra nhiều chính sách đầu tư phù hợp. Một trong những bước đột phá này là tháo gỡ rào cản về vốn vay cho lao động nghèo, không có điều kiện đi nước ngoài làm việc.

Theo ông Đinh Công Minh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh An Giang, mỗi năm toàn tỉnh có trên 30 ngàn người có nhu cầu giải quyết việc làm nhưng giải pháp tạo việc làm trong nước bế tắc. Thấy rõ chủ trương XKLĐ chính là chiếc phao tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo nhanh, tỉnh đã quyết tâm tạo cơ hội cho nhiều lao động đi nước ngoài làm việc.

Năm 2002 chỉ có 17 lao động được đi làm việc ở nước ngoài thì đến năm 2005, con số này tăng lên 1.500 người. Thế nhưng, trong số lao động đi xuất khẩu này chỉ có duy nhất 1 lao động được vay vốn từ ngân hàng. Thấy rõ rào cản này, lãnh đạo tỉnh An Giang đã mạnh dạn trích 26,9 tỷ đồng cho Quỹ hỗ trợ XKLĐ, tạo cơ hội cho nhiều lao động khác đi nước ngoài làm việc.

Trước đó, tỉnh Đồng Tháp đã tiên phong thành lập Quỹ hỗ trợ XKLĐ với tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách là 15 tỷ đồng. Nhờ cách làm táo bạo này, tỉnh đã dẫn đầu khu vực ĐBSCL về số lượng đưa lao động đi xuất khẩu trong mấy năm gần đây (gần 5.000 người). Nêu lên những hạn chế về thực hiện chủ trương XKLĐ, ông Phạm Quốc Triệu, Giám đốc Sở LĐ-TBXH TP Cần Thơ cho rằng hoạt động XKLĐ chưa được thực hiện đều khắp ở các địa phương là do khâu thông tin, tuyên truyền, vận động hướng dẫn lao động chọn lựa cơ hội làm việc ở nước ngoài chưa thường xuyên và chưa sâu rộng.

Do trình độ học vấn thấp, nhiều lao động ở ĐBSCL nhận thức chưa đúng về XKLĐ. Họ có tâm lý không muốn đi xa làm việc hoặc coi việc đi XKLĐ là làm giùm nhà nước, chính quyền địa phương chứ không phải cho bản thân mình. Vì thế, mở rộng kênh thông tin và tạo cơ hội dễ dàng đi XKLĐ là cứu cánh giúp họ thay đổi nhận thức, tham gia cơ hội tìm việc ở nước ngoài.

KHÁNH BÌNH

 

Tin cùng chuyên mục