Vốn cho lao động đi làm việc ở nước ngoài

Nhu cầu nhiều, giải quyết ít

Nhu cầu nhiều, giải quyết ít

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương cho người lao động vay vốn đi nước ngoài làm việc. Nhưng trên thực tế số người được tiếp cận nguồn vốn vay này chưa nhiều, vì sao?

  • Một thị trường tiềm năng
Nhu cầu nhiều, giải quyết ít ảnh 1

Tổ chức cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài học tập, tu nghiệp.  Ảnh: B.V.

Để có thể ra nước ngoài làm việc, đòi hỏi người lao động phải có một số tiền khá lớn (bao gồm vé máy bay, phí trả cho công ty môi giới xuất khẩu lao động (XKLĐ), tiền đặt cọc tránh người lao động phá vỡ hợp đồng…). Trên thực tế rất ít người lao động có đủ khả năng tài chính để trang trải các khoản chi phí nói trên. Bên cạnh việc vay người thân hoặc vay “nóng” với lãi suất cao, người lao động trông đợi vào ngân hàng.

Nắm bắt được cơ hội, thời gian qua nhiều ngân hàng đã phối hợp với Cục Quản lý lao động nước ngoài (Bộ LĐ-TB-XH) tổ chức, giới thiệu các dịch vụ chuyển tiền và cho vay đối với các doanh nghiệp XKLĐ. Incombank là một trong những ngân hàng có đóng góp tích cực trong việc hỗ trợ tài chính cho những lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Huy Hùng, Tổng Giám đốc Incombank, cho vay xuất khẩu lao động là an toàn vì 100% các khoản vay hiện tại đều có tài sản thế chấp hoặc bảo lãnh.

Vì vậy, ngoài ý nghĩa giúp người lao động giải quyết khó khăn về tài chính, cho vay vốn cho lao động diện này còn tạo được nguồn ngoại tệ lớn, tăng thu từ các dịch vụ chuyển tiền cho ngân hàng. Dư nợ cho vay XKLĐ theo các năm của Incombank đều tăng và đến năm 2004 đạt gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) quận 3 và quận 10 còn ký hợp đồng liên kết với các công ty XKLĐ để cho vay vốn XKLĐ.

Theo đó, ngân hàng cho vay đến 80% tổng chi phí của lao động đi làm việc ở nước ngoài và 70% giá trị tài sản thế chấp. Dư nợ cho vay năm 2005 của Agribank quận 10 khoảng 5-7 tỷ đồng, chiếm khoảng 1% tổng dư nợ cho vay.

Tuy nhiên, cho vay thuộc dạng này cũng gặp một số rủi ro do người lao động bỏ trốn, không tự giác khi chuyển tiền trả nợ, phá vỡ hợp đồng hoặc bị trả về nước trước thời hạn… Điều này khiến cho một số ngân hàng ngán ngại và chưa mạnh dạn cho người lao động vay vốn.

  • Khai thông nguồn vốn cho lao động nghèo

Thời gian vừa qua, Agribank cũng mở rộng chủ trương cho lao động đi làm việc ở nước ngoài vay vốn theo dạng tín chấp. Kết quả đã có hàng chục ngàn lao động trong cả nước được tạo điều kiện vay vốn đi nước ngoài làm việc. Tuy nhiên tại TPHCM số người được vay vốn theo dạng tín chấp chưa mạnh tay giải quyết so với dạng thế chấp. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do rủi ro cao, khả năng thu hồi vốn thấp.

Từ tháng 4-2003 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) TPHCM cũng triển khai cho lao động thuộc đối tượng chính sách vay vốn đi nước ngoài làm việc. Mức vay tối đa bằng 80% tổng chi phí cần thiết theo hợp đồng nhưng không vượt quá 20 triệu đồng/người.

Trong năm 2005, thông qua kênh tín dụng ưu đãi này, đã có 97 lao động nghèo, diện chính sách ở TPHCM được vay trên 1,3 tỷ đồng. Bà Ngô Thị Bích Hằng, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH TPHCM, cho biết trong năm 2005, ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi là 0,55%/tháng, từ ngày 1-1-2006 lãi suất được điều chỉnh là 0,65%/tháng-một mức lãi suất khá hấp dẫn đối người nghèo, khát vốn. Ngay trong quý 1-2006, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã cấp chỉ tiêu cho Ngân hàng CSXH TPHCM 500 triệu đồng để cho vay XKLĐ.

Cộng với nguồn vốn cho vay những năm trước đã đến kỳ hạn thu nợ nên nguồn vốn cho vay XKLĐ năm nay tương đối khả quan. Theo bà Hằng, tại TPHCM cho vay XKLĐ chưa phát triển, xuất phát từ đối tượng được vay nguồn vốn này chưa tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Ngoài ra, người lao động ở TPHCM lại kén thị trường, chỉ thích đi Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu làm việc nên số giải ngân thực tế chưa nhiều.

M.THẢO-K.HÀ

 - Thủ tục vay vốn ưu đãi đối với người nghèo, diện chính sách có nhu cầu đi XKLĐ gồm: đơn xin vay vốn có xác nhận của chính quyền địa phương thuộc diện hộ nghèo hay xác nhận của Phòng LĐ-TB-XH quận - huyện xác nhận thuộc diện chính sách gửi cho ngân hàng. Khi có giấy thông báo trúng tuyển của công ty XKLĐ và hợp đồng ký kết giữa người lao động với những công ty này, ngân hàng sẽ cho vay vốn.

- Vay dạng tín chấp: Lao động nghèo thuộc diện xóa đói giảm nghèo của TP đi nước ngoài làm việc được vay 3 nguồn vốn với tổng số tiền 70 triệu đồng, trong đó Quỹ Xóa đói giảm nghèo TPHCM cho vay 30 triệu đồng, Ngân hàng CSXH: 20 triệu đồng, chi nhánh Ngân hàng Agribank tại TPHCM: 20 triệu đồng.

Tin cùng chuyên mục