Thời mà internet chưa phát triển, một cuộc thi viết, hay thi sáng tác ảnh chỉ có thể dừng lại ở quy mô nhỏ, chủ yếu dành cho độc giả của tờ báo hay khán giả của một chương trình truyền hình. Người tham gia hì hụi viết thư tay, gửi ảnh hay đĩa dự thi qua đường bưu điện. Ban giám khảo ngày đêm phân loại hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm dự thi. Thời gian công bố và trao giải thưởng vì thế mà kéo dài khá lâu. Tuy vất vả, nhưng chính những cuộc thi như thế mới đích thực là những sân chơi sáng tạo bổ ích, công bằng…
Còn trong thời đại internet và mạng xã hội phát triển như hiện nay, các cuộc thi đủ loại đang đua nhau mọc lên như nấm sau mưa. Nhưng thực chất ý nghĩa và sức lan tỏa của các cuộc thi ngày nay đã không còn.
Từ các cuộc thi người đẹp qua ảnh, thi ảnh cho các bé, thi viết theo chủ đề, thi làm phim, làm video clip đến các cuộc thi ảnh cưới, thi ảnh “Bà bầu duyên dáng”, “Bà bầu xì-tin”... Các cuộc thi này thường có hẳn một trang web hoặc fanpage riêng. Ngoài ra, thông tin về cuộc thi còn được đăng tải trên những trang mạng xã hội, trang web có liên kết, website của nhà tổ chức hoặc các trang báo điện tử. Điều này làm cho quy mô của cuộc thi “nở” ra rất lớn, thu hút một lượng lớn thí sinh tham gia. Cách thức để tham gia thì vô cùng đơn giản. Chỉ cần vài cú click đăng ký trở thành thành viên của website hoặc trang fanpage của cuộc thi hay đơn giản hơn là một nút like ở đầu trang là đã đủ điều kiện tham dự. Có một từ ngữ ra đời và lưu hành trong giới trẻ xuất phát từ hiện tượng này: Đó là “câu like”.
Sở dĩ có khái niệm này là vì quy trình chấm giải của các cuộc thi trên mạng thường không có bóng dáng của ban giám khảo hoặc nếu có chỉ đóng một vai trò rất mờ nhạt. Hầu hết đều dựa trên lượt view hoặc lượt like của người xem dành cho tác phẩm dự thi.
Vì thế, thay vì chờ đợi một sự cảm thụ, đồng cảm của người xem đối với tác phẩm của mình thì người dự thi lại từ đây nghĩ ra đủ mọi cách thức để thu hút được nhiều lượt bình chọn, ngồi hàng giờ liền trên mạng để chia sẻ link, tag bạn bè, vận động thật nhiều người quen ủng hộ. Rồi lại có thêm những người nghĩ ra cách kiếm được tiền từ việc bán like. Khác với trào lưu lập fanpage rồi bán lại, những người buôn like cho các cuộc thi thường đưa ra gói “5.000 like người Việt”, hoặc “1.000 like ảnh trong các cuộc thi” rồi báo giá từ 750.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Việc bán “like” được chào trên tất cả các trang mạng xã hội, các cuộc thi ảnh online, thậm chí trên cả Google+, Youtube. Và thế là có một cuộc đua hỗn loạn và không cân sức. Ai gửi bài sớm, vận động nhiều hoặc xa hơn là mua like hoặc sử dụng một vài phần mềm tiện ích để tạo like ảo thì sẽ dành được chiến thắng. Còn những người chất phác luôn tin vào chất lượng của tác phẩm thì cầm chắc phần thua.
Điểm mặt lại các cuộc thi trên mạng xã hội, có thể thấy phần lớn đều nhằm vào việc PR tên tuổi và quảng cáo sản phẩm cho chính đơn vị tổ chức. Chưa kể, khi tham gia thi và vận động bình chọn, bạn đã vô tình trở thành người quảng bá hình ảnh cho sản phẩm, đơn vị tổ chức và nhà tài trợ. Bằng cách chia sẻ link đi khắp nơi, bạn đã giúp cho trang web hay fanpage của ban tổ chức tăng lượt truy cập và đứng đầu trong bảng xếp hạng tìm kiếm của google.
Thông thường, sau mỗi cuộc thi số lượng thành viên và lượt like của các trang web hay fanpage này tăng lên một cách chóng mặt. Ban tổ chức cuộc thi chẳng mất gì. Cái mất ở đây chính là ý nghĩa của một cuộc thi thực sự đã không còn mà đã trở thành các cuộc đua… like không hơn không kém.
NGỌC UYỂN