Các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng tốt năm 2012

Tính đến hết quý I-2012, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của hàng loạt doanh nghiệp niêm yết, các doanh nghiệp này không chỉ là những thương hiệu mạnh mà còn đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tính đến hết quý I-2012, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của hàng loạt doanh nghiệp niêm yết, các doanh nghiệp này không chỉ là những thương hiệu mạnh mà còn đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sacombank và chiến lược nâng vốn điều lệ

Trong nhiều năm qua, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) luôn được xem là một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam. Kết quả kinh doanh năm 2011 của Sacombank vẫn được đánh giá khả quan dù là năm có quá nhiều khó khăn đối với hệ thống ngân hàng. Cụ thể, thu nhập thuần cả năm của Sacombank đạt 5.842 tỷ đồng, tăng 50% so với thực hiện năm trước. Hoạt động dịch vụ mang về cho Sacombank khoản lãi 1.007 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 2.066 tỷ đồng, tăng 10% so năm trước, lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 2.241 đồng. Theo đó, Sacombank đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch kinh doanh đề ra từ đầu năm. Tổng tài sản đến cuối năm 2011 của Sacombank đạt 141.532 tỷ đồng, vốn điều lệ là 10.739 tỷ đồng.

Trong năm 2012, ngân hàng dự kiến sẽ tăng thêm 17% vốn điều lệ (tức khoảng 1.700 tỷ đồng) để nâng vốn điều lệ lên hơn 11.700 tỷ đồng. Theo thông tin gần đây, Sacombank dự kiến lợi nhuận trước thuế quý 1/2012 của ngân hàng đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong kế hoạch kinh doanh năm 2012, Sacombank phấn đấu đạt lợi nhuận từ 3.500 - 3.700 tỷ đồng. Sacombank cũng là ngân hàng Việt Nam tiên phong mở rộng hoạt động sang nước láng giềng Campuchia từ tháng 06-2009 và đã thu được nhiều khả quan. Tính tới ngày 20-3-2012, Sacombank Cambodia Plc - ngân hàng con của Sacombank tại Campuchia có tổng huy động vốn đạt đến 47 triệu USD, dư nợ cho vay 60 triệu USD. Doanh số chuyển tiền 2 chiều giữa Campuchia - Việt Nam qua ngân hàng trong năm 2010 và 2011 đạt 521 triệu USD. Hệ khách hàng của Sacombank tại Campuchia đã đạt trên 2.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Đến nay mạng lưới hoạt động của Sacombank Cambodia Plc đã mở rộng lên 4 đơn vị là Chi nhánh Olympic, Siêu thị Việt Nam, Chbar Ampeou và Kampong Cham.

FPT - Top 8 “Đại gia tiền mặt” ở Việt Nam

Một công bố cho biết, “công nghệ thông tin là một trong những ngành hot nhất của kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua, với mức tăng trưởng 20-25%/năm, cao gấp 2 - 3 lần tăng trưởng GDP. Đặc biệt, trong lĩnh vực phần mềm, nội dung số, mức tăng trưởng còn cao hơn nữa”. Hiện nay, có khoảng 20 doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, nhà đầu tư không lạ gì với cổ phiếu FPT của CTCP Tập đoàn FPT. Theo nhiều đánh giá thì đây là cổ phiếu có tài chính tốt, chiến lược phát triển khá vững chắc. Năm 2011 là năm khó khăn của nền kinh tế nhưng FPT vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định so với nhiều doanh nghiệp niêm yết khác.

Theo Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, FPT đã cùng 7 doanh nghiệp khác lọt vào top 8 “đại gia tiền mặt”. Kết quả kinh doanh trong năm 2011 của tập đoàn đạt được khá ấn tượng, doanh thu gần 26.000 tỷ đồng, đạt 105,72% so với kế hoạch đã được HĐQT thông qua đầu năm và đạt hơn 97% so với kế hoạch điều chỉnh tăng giữa năm, tăng gần 27% so với năm 2010. Bước sang năm mới 2012, FPT sớm công bố kết quả kinh doanh bước đầu khá khả quan. Doanh thu toàn Tập đoàn sau 2 tháng đạt gần 3.668 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2011 và đạt 102% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế cũng đạt trên 354 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ là 20% và vượt 2% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 2 tháng tăng trưởng 28% và đạt 210 tỷ đồng. Năm 2012, FPT đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu kế hoạch 31.300 tỷ đồng, tăng trưởng 21% và lợi nhuận trước thuế 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với năm ngoái.

Vinamilk - Hướng tới 1 trong 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới

Đến nay, ngành hàng tiêu dùng như sữa, bánh kẹo, thực phẩm… vẫn trụ vững bất chấp những khó khăn của tình hình kinh tế. Theo nhiều dự báo, đây vẫn là ngành tiếp tục giữ được đà tăng trưởng trong năm 2012. Dẫn đầu trong nhóm ngành này vẫn là doanh nghiệp quen thuộc là CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM). Những kết quả đạt được trong năm 2011 của Vinamilk đã làm cho nhiều cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra sáng 23/03 rất hài lòng. Với mức doanh thu thuần trong năm 2011 của VNM đạt 21.627 tỷ đồng, tăng 37% so với năm trước và vượt 5% kế hoạch (20.560 tỷ đồng). Lãi sau thuế đạt là 4.218 tỷ đồng, tăng 16% so năm 2010 và vượt 17% kế hoạch. Lãi trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 7.717 đồng. Đại hội thường niên đã thông qua mức cổ tức năm 2011 chia cho cổ đông là 40% bằng tiền mặt. Đây là tỷ lệ cổ tức khá cao so với nhiều doanh nghiệp khác đang niêm yết trên sàn.

Dù là mùa thấp điểm trong kinh doanh, nhưng theo công bố mới nhất, trong 2 tháng đầu năm 2012 doanh số của Vinamilk vẫn tăng trưởng 30% và lợi nhuận tăng gần 22%. Chỉ tiêu tổng doanh thu năm 2012 mà công ty đặt ra là 26.480 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 5.625 tỷ đồng và cổ tức duy trì ở mức 30% bằng tiền. Bà Mai Kiều Liên - nữ doanh nhân Việt Nam duy nhất trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á do Forbes bình chọn cho biết, mục tiêu mà Vinamilk hướng tới là 1 trong 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới với doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017. Bà Liên cho biết, Vinamilk đã chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng thực hiện mục tiêu này.

Nhựa Bình Minh - Lợi nhuận tăng trưởng 22%

Với các sản phẩm ống nhựa, phụ tùng ống nhựa phục vụ trong ngành xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp nên doanh thu của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) luôn phụ thuộc vào tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình công cộng… Năm 2011, rất nhiều dự án bất động sản, cơ sở hạ tầng ngừng, giãn tiến độ thi công nên ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình tiêu thụ sản phẩm của BMP. Ngoài ra, đầu vào của BMP là bột nhựa, hạt nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ được nhập khẩu từ nước ngoài mà năm qua giá dầu mỏ luôn tăng làm ảnh hưởng nghiêm trọng giá thành sản phẩm của công ty.

Tuy nhiên, công ty dự báo được tình hình đã chủ động dự trữ nguyên vật liệu và đẩy mạnh việc bán hàng nên vẫn đạt được kết quả doanh thu 1.826 tỷ đồng, tăng 29% so với năm trước, lợi nhuận trước thuế cũng tăng 22,5% so với cùng kỳ, đạt 384 tỷ đồng. Trong năm 2012, ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đã phát động năm thi đua tăng năng suất, phát huy sáng kiến, lao động đạt hiệu quả cao, quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh, lập thành tích chào mừng Nhựa Bình Minh tròn 35 năm tuổi vào ngày 16-11-2012 sắp tới.

Ralaco: Vượt qua khó khăn bởi “bão” lãi suất

Năm 2011, mặc dù chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Ralaco/RAL) đều tăng mạnh, đến 127 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay tăng mạnh nhất, tăng thêm 54 tỷ so với năm trước đạt 126,5 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của RAL vẫn đạt 60,5 tỷ đồng tăng 65,38% so với năm 2011 và tăng 46,62% so với kế hoạch năm. Để đạt kết quả này, RAL đã xây dựng trung tâm công nghệ khoa học phục vụ cho công tác nghiên cứu các sản phẩm mới và mở rộng được thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, doanh thu năm qua của RAL đạt đến 1.748 tỷ đồng, tăng 28,2%, một thành tích khả quan nếu so với các đơn vị cùng ngành khác.

 MINH - NHƯ - ANH

Tin cùng chuyên mục