Chưa bao giờ các đội bóng miền Trung lại tỏ ra yếu thế như ở mùa giải hạng Nhất năm nay. Hầu hết các lãnh đội khi được hỏi đều chỉ đề cập đến mục tiêu trụ hạng chứ không hề nghĩ đến chuyện tranh đua với các đối thủ.

Đội Quảng Nam (bên phải) gặp nhiều khó khăn về lực lượng cho giải hạng Nhất 2006. Ảnh: Nguyễn Hùng
Huda Huế sau “cú vấp” trước K.Khánh Hòa ở mùa giải năm ngoái khiến Giám đốc Sở TDTT Ngô Văn Trân phải ra đi dường như đã không còn mặn mà với mục tiêu thăng hạng bằng mọi giá. Thêm vào đó, án treo giò của Văn Trương vì dính líu tới vụ bán độ ở SEA Games 23 càng làm cho đội bóng này thêm khủng hoảng. Có vẻ như đội bóng Cố đô đã xác định được vị trí của mình so với các đối thủ. Không ồ ạt tăng cường lực lượng, cũng không rầm rộ xuất quân và cũng chẳng mạnh miệng đòi lên chuyên, Huda Huế chấp nhận phương án “chậm mà chắc”.
Hàng loạt cầu thủ trẻ từ tuyến hai được BHL đôn lên để thay thế những cựu binh thừa chuyên môn nhưng thiếu tinh thần thi đấu vì màu cờ sắc áo. Đây là thuận lợi lớn đối với HLV Đoàn Phùng vì hầu hết lực lượng trẻ được đôn lên đều đã có thời gian gắn bó với ông ở đội U20 TT-H. Không đề ra chỉ tiêu thăng hạng nhưng Huda Huế sẽ là đối thủ khó chơi ở mùa giải tới và nói như HLV Đoàn Phùng: “Chúng tôi sẽ không bỏ lỡ nếu có cơ hội”.
Đại gia như Huda Huế đã vậy, các đội bóng hạng Nhất miền Trung khác lại càng bết bát hơn. Quảng Nam đến giờ này vẫn phải chạy đôn chạy đáo tìm quân. Lực lượng nội vừa thiếu lại vừa yếu trong khi ngoại binh mới chỉ có Ronald Martin và Mbungu Luc. Gaspa được GĐT-LA tăng cường nhưng đến giờ này, BHL vẫn chưa thấy mặt mũi đâu cả. Hai tiền đạo Juma và Gazala đã chính thức về với đội bóng xứ Quảng nhưng lại gặp trở ngại do cả 2 chưa có giấy chuyển nhượng quốc tế (ITC). Kế hoạch chuẩn bị cho mùa giải mới cũng không thể diễn ra suôn sẻ khi thành phần BHL liên tục bị xáo trộn. Mới đây, HLV Luciano đã trở lại nhưng chuyên gia lão làng này cũng khó có thể tạo ra đột biến với lực lượng hiện có và quỹ thời gian còn quá ít.
ĐKVĐ giải hạng Nhì 2005 Quân khu 5 cũng đang ở vào tình thế nan giải. Trong tay HLV Nguyễn Văn Nam hiện nay chỉ còn một vài gương mặt kỳ cựu, còn lại đều là những nhân tố trẻ được đôn lên từ tuyến 2 và một số cầu thủ được Đà Nẵng và Thể Công tăng cường. Không chỉ khó khăn về lực lượng, vấn đề kinh phí hoạt động cũng đang khiến lãnh đạo đội bóng đau đầu.
Đến thời điểm này, các cầu thủ vẫn chưa nhận được tiền thưởng cho chức vô địch hạng Nhì mùa giải 2005. Không dồi dào tiền bạc như “người anh cả” Thể Công, QK5 buộc phải “liệu cơm gắp mắm” với nguồn tài chính ít ỏi của mình. Trước tình hình đó, lãnh đạo Quân khu, BHL cũng như các thành viên trong đội bóng đều đã xác định tất cả sẽ thi đấu hết mình để có thể giữ hạng ở mùa giải 2006. Quân thiếu, lực yếu, trụ hạng đã là thành công lớn đối với đội bóng mặc áo lính này.
Khác với hoàn cảnh của QK5, XSKT Đà Lạt-Lâm Đồng lại khá rủng rỉnh hầu bao nhờ nhận được sự tài trợ từ Công ty XSKT Lâm Đồng ngay sau khi giành quyền thăng hạng. Tuy nhiên, chủ trương không sử dụng ngoại binh của lãnh đạo tỉnh đã đặt HLV Lưu Mộng Hùng vào thế khó. Trong khi đó, lực lượng nội của đội bóng cao nguyên lại chưa đủ kinh nghiệm chinh chiến ở một giải đấu khắc nghiệt như giải hạng Nhất. Bất đắc dĩ, HLV Lưu Mộng Hùng phải sử dụng những cầu thủ đã không còn ở đỉnh cao phong độ như Phú Đức hay Hứa Hiền Vinh để làm “đầu tàu” cho lực lượng trẻ. Với lực lượng hiện có, tìm lời giải cho bài toán trụ hạng không phải là nhiệm vụ đơn giản đối với XSKT Đà Lạt Lâm Đồng.
Không hẹn mà thành, các đội hạng Nhất ở miền Trung đều đã bị loại khỏi Cúp Quốc gia và với họ, “chiến trường” chính bây giờ là giải hạng Nhất. Không phải chạy đua giành quyền thăng hạng nhưng tìm đường trụ hạng đã là nhiệm vụ không hề dễ dàng với các đội bóng miền Trung.
Nam Trân
- HLV Nguyễn Văn Nam (Quân khu 5): - HLV Đoàn Phùng (Huda Huế): |