Theo thỏa thuận với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đồng thuận ký cam kết thực hiện trần lãi suất huy động vốn không quá 14%/năm (gồm cả chi phí khuyến mãi) và lãi suất cho vay không vượt quá 18%/năm. Tuy nhiên, lãi suất niêm yết một đàng còn lãi suất thực tế lại một nẻo. Cùng các doanh nghiệp (DN) đi gởi tiền cũng như vay vốn, chúng tôi đã phát hiện các NHTM sử dụng nhiều chiêu phá rào lãi suất khá ngoạn mục.
Tự nguyện chịu phạt vi phạm hợp đồng
Mặc dù trước cửa các NHTM đều niêm yết lãi suất huy động VNĐ tối đa 14%/năm nhưng khi đặt vấn đề gởi vốn theo cơ chế lãi suất thỏa thuận thì nhân viên NHTM hỏi ngay số tiền gởi bao nhiêu. Tại một NHTM, khi biết số tiền gởi vài tỷ đồng, cô nhân viên hướng dẫn chúng tôi vào trong gặp sếp.
Sau một hồi dò hỏi thận trọng, biết tôi do một khách hàng quen giới thiệu nên người sếp này nói thẳng, gởi trên 5 tỷ đồng, lãi suất 17%/năm, vài ba tỷ lãi suất chỉ khoảng 16%/năm, nếu đồng ý thì làm hợp đồng. Tôi hỏi, trước đây tôi gởi bằng sổ tiết kiệm, nay gởi bằng hợp đồng thì có sao không. Vị này giải thích, gởi tiền bằng hợp đồng sẽ dễ hợp thức hóa mức lãi suất thỏa thuận hơn, vì mức lãi này vượt quy định của ngân hàng nên không được phép ghi vào sổ.
Thấy tôi còn lo ngại, anh nói rõ, trong hợp đồng tiền gởi sẽ có điều khoản phạt vi phạm hợp đồng và phía ngân hàng sẽ tự nguyện đưa điều khoản thật khó vào và tự nguyện chịu phạt, như vậy với lãi suất tiền gởi 14%/năm, cộng với phạt hợp đồng 3%/năm, lãi suất thực tế của tiền gởi sẽ là 17%/năm, sẽ không bị xử lý vượt trần lãi suất huy động vốn mà các NHTM đã ký kết.
Tìm hiểu thêm ở một số NHTM khác về cách thực hiện lãi suất thỏa thuận, mỗi nơi có mỗi cách làm khác nhau nhưng đều xé rào lãi suất 14%/năm. Nhiều nơi vẫn ghi trong sổ tiết kiệm tiền gởi mức lãi suất đúng quy định 14%/năm, phần lãi suất thỏa thuận vượt quy định sẽ được ngân hàng thối ngay tại chỗ cho khách, coi như nhận trước một phần lãi suất. Với cách làm này, trên giấy tờ sổ sách lưu đều đúng, nếu có kiểm tra, thanh tra cũng không “bắt giò” được các ngân hàng, mặc dù trên thực tế họ vi phạm vượt trần lãi suất huy động. Và để an toàn, hầu hết các ngân hàng đều thận trọng, phải là khách quen, khách do những đối tác tin cậy giới thiệu thì mới dám chấp nhận mức lãi suất cao.
Lãi vay cộng thêm “chi phí khác”
Theo các chuyên gia ngân hàng, nếu NHTM huy động vốn VNĐ với mức lãi suất 16% - 17%/năm mà khống chế lãi suất cho vay không quá 18%/năm thì các ngân hàng lỗ chắc. Bởi họ còn phải chịu các chi phí từ khoản dự trữ bắt buộc và các chi phí khác, ít nhất cũng 3% - 4% nữa, do vậy, lãi suất cho vay tối thiểu phải cao hơn lãi suất huy động khoảng 5% thì các NHTM mới “sống” được. Khi các ngân hàng đã “xé rào” lãi suất huy động được thì chắc hẳn sẽ có cách vượt trần lãi suất cho vay.
Thực vậy, sau thời gian “đeo đuổi” bộ hồ sơ vay vốn của một DN, chúng tôi mới phát hiện ra mức lãi suất thực mà DN phải trả lãi trên 21%/năm. Tuy nhiên, trong hồ sơ vay vốn vẫn ghi lãi suất chỉ 18%/năm, số tiền còn lại phải nộp gọi là “chi phí khác”. Nào là phí quản lý, phí thẩm định tài sản thế chấp… được đưa vào để nâng mức lãi suất trung bình chung tăng lên. Thậm chí, nhiều nơi còn thỏa thuận kiểu phạt hợp đồng do thanh toán chậm, do trả lãi trễ hạn… để nâng mức lãi suất lên cao. Không ít nơi nói thẳng là sau khi rút vốn, bên vay phải thối lại số tiền chi phí theo thỏa thuận, vì không thể nào cho vay với mức lãi suất 18%/năm được, nhưng lại không được ghi mức lãi suất cao hơn trong hợp đồng, sợ bị Ngân hàng Nhà nước phát hiện và xử phạt.
Dẫu lãi suất vay khá cao, nhưng trong thời điểm cận tết, rất nhiều DN cần vốn đưa vào sản xuất, kinh doanh nên đều chấp nhận hợp tác vay vốn với lãi suất cao với nhiều loại phí phi lý. Phía ngược lại cũng chẳng vui vẻ gì, một số lãnh đạo NHTM thừa nhận cũng không vui sướng gì khi phải tìm mọi cách lách luật. Vậy, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần xem xét lại các quy định về lãi suất sao cho minh bạch, hợp lý, phù hợp với thực tế, đừng để các bên phải luồn lách, chịu rủi ro khi vay vốn, gởi tiền.
Hàn Ni - Hoàng Liêm