Các nhà khoa học xác định nguyên nhân 107 hố sụt lún bất thường tại Thừa Thiên – Huế

Chiều 20-7, Sở KH-CN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, vừa tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu, xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp bền vững phòng tránh nguy cơ sụt đất tại khu vực xã Phong Xuân, huyện Phong Điền” do Trường Đại học Khoa học - ĐH Huế chủ trì và TS Trần Hữu Tuyên làm chủ nhiệm đề tài.

Đây là đề tài được thực hiện theo đặt hàng của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế với diện tích của khu vực nghiên cứu chung là 22,6km², trong đó phần diện tích nghiên cứu chính - vùng được dự đoán có nguy cơ cao, nơi tiến hành các hạng mục công tác đo đạc, khoan địa chất là 10,4km².

Các nhà khoa học xác định nguyên nhân 107 hố sụt lún bất thường tại Thừa Thiên – Huế ảnh 1 Sở KH-CN tỉnh Thừa Thiên – Huế nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu, xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp bền vững phòng tránh nguy cơ sụt đất tại khu vực xã Phong Xuân, huyện Phong Điền”

Tại hội nghị, báo cáo kết quả điều tra xã hội học của đề tài cho thấy, trong quá khứ, hiện tượng sụt đất ở khu vực này, gần như chưa được ghi nhận. Tuy nhiên, từ tháng 6-2014, hiện tượng sụt lún mặt đất với sự hình thành hàng loạt các hố sụt đất xảy ra trên diện tích đất nông nghiệp gây nên hiện tượng mất nước. Đến cuối năm 2018, các hố sụt bắt đầu xuất hiện trong các khu dân cư chủ yếu ở thôn Xuân Lộc, xã Phong Xuân với kích thước nhỏ hơn 0,6m với số lượng khoảng 6 hố sụt cùng nhưng sự xuất hiện các hố sụt cạnh sát nhà dân đã gây tâm lý bất an của người dân địa phương.

Trong khi đó, hiện tượng sụt đất khu vực Phong Xuân xảy ra từ giữa năm 2014 đến nay trùng với hoạt động khai thác đá vôi cuả Công ty CP Xi măng Đồng Lâm. Hiện thống kê của nhóm nghiên cứu thì đã có 107 hố sụt đã xảy ra. Trong đó, loại hình sụt trượt có 44 hố, chiếm 41,1%; xói sụt có 59 hố, chiếm 55,1% và lún sụt có 4 hố, chiếm 3,7%.

TS Trần Hữu Tuyên, Chủ nhiệm đề tài báo cáo, khu vực nghiên cứu xã Phong Xuân có các điều kiện địa hình - địa mạo, cấu trúc địa chất, kiến tạo hết sức thuận lợi cho sự phát triển các tai biến sụt, trượt đất liên quan đến thủy động lực dòng ngầm trên vùng trầm tích carbonat (karst). Tuy nhiên, khi hiện tượng sụt đất xảy ra với số lượng nhiều, qui mô lớn và trên diện rộng thì có liên quan trực tiếp đến tác động bất thường của tự nhiên hay hoạt động kinh tế - công trình của con người. Hiện tượng sụt đất tại khu vực Phong Xuân cũng thuộc diện như vậy.

Các nhà khoa học xác định nguyên nhân 107 hố sụt lún bất thường tại Thừa Thiên – Huế ảnh 2 Sụt đất ngoài ruộng xã Phong Xuân

Từ đó, các nhà khoa học cho rằng, hiện tượng sụt đất ở khu vực Phong Xuân xảy ra do tổ hợp nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do diện tích phân bố đá vôi nứt nẻ có hang kasrt ngầm làm tiền đề cho tai biến địa chất xảy ra khi có các kích hoạt như tháo khô moong khai thác (phần thấp nhất của đáy mỏ được bao khép kín bởi bờ mỏ xung quanh - PV) có rung chấn do nổ mìn. Mặc dù không phải là nguyên nhân chính, nhưng hoạt động khai thác đá đóng vai trò xúc tác, đẩy nhanh quá trình sụt đất ở khu vực nghiên cứu. 

Về nguyên nhân chủ quan, hoạt động khai thác đá với các tác động đến hiện tượng sụt đất là rung chấn do nổ mìn và tháo khô moong khai thác. Tùy thuộc vào thời gian khai thác mà vai trò và mức độ tác động cuả chúng khác nhau. Song không loại trừ nguyên nhân là đất đá nứt nẻ, karst hóa mạnh dọc theo đứt gãy kiến tạo trên cánh đồng ngoài đê bao số 1, nhưng tác động rung chấn của hoạt động nổ mìn khai thác là yếu tố tác động chính, đóng vai trò xúc tác dẫn đến sự hình thành hàng loạt các hố sụt tại thôn Điền Lộc trong năm 2014, khi mới bắt đầu khai thác.

Cùng với giải pháp giảm tác động của rung chấn do công ty CP xi măng Đồng Lâm thực hiện, tác động của nổ mìn đối với hiện tượng sụt đất khu vực nghiên cứu sẽ giảm dần. Nhưng cũng có thể, cường độ sẽ tăng trở lại khi vùng khai thác được mở rộng.

Các nhà khoa học xác định nguyên nhân 107 hố sụt lún bất thường tại Thừa Thiên – Huế ảnh 3 Hố sụt trong vườn của người dân xã Phong Xuân

Nhóm nghiên cứu đưa ra các giải pháp phòng tránh sụt lún mặt đất gồm ba nhóm giải pháp chính: Nhóm giải pháp cảnh báo nguy cơ xảy ra sụt đất; Nhóm giải pháp công trình; Các giải pháp trước mắt. Trên nguyên tắc ưu tiêu “phòng - tránh - chống” và phù hợp với điều kiện kinh tế - kỹ thuật địa phương, trong giai đoạn trước mắt, khu vực nghiên cứu nên tiến hành đồng bộ các giải pháp: cảnh báo nguy cơ sụt đất, không xây dựng công trình và bố trí khu dân cư trên các vùng có nguy cơ cao.

Trường hợp thật sự cần thiết, mới tiến hành các giải pháp công trình như cứng hóa nền đất, khoan phụt các hang hốc karst. Đồng thời, không nên tiến hành các giải pháp phòng, tránh sụt đất riêng lẻ mà cần lồng ghép phòng, tránh nguy cơ sụt mất nước, rung chấn do nổ mìn vì đây là các yếu tố tiền đề dẫn đến hiện tượng sụt đất khu vực nghiên cứu. Cần có kế hoạch phòng, tránh nguy cơ sụt đất, mất nước… thông qua việc lồng ghép với kế hoạch phòng, tránh thiên tai địa phương.

Tin cùng chuyên mục