Các nước thận trọng về phát triển năng lượng hạt nhân

Quan ngại về những nguy cơ hạt nhân sau vụ động đất kinh hoàng ở Nhật Bản, đặc biệt sau khi xảy ra nổ tại nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima, ngày 14-3, các nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi chính quyền cân nhắc các biện pháp hạn chế tốc độ phát triển các nhà máy điện hạt nhân tại nước này.

Quan ngại về những nguy cơ hạt nhân sau vụ động đất kinh hoàng ở Nhật Bản, đặc biệt sau khi xảy ra nổ tại nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima, ngày 14-3, các nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi chính quyền cân nhắc các biện pháp hạn chế tốc độ phát triển các nhà máy điện hạt nhân tại nước này.

Tại Philippines, các thượng nghị sĩ cũng kêu gọi cần thận trọng hơn trong kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân ở nước này. Philippines đã xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bataan (BNPP) từ lâu, song chưa đưa vào sử dụng do vẫn còn nhiều ý kiến quan ngại về mức độ an toàn vì nhà máy này nằm gần núi lửa Pinatubo.

Ngày 13-3, Áo đã kêu gọi kiểm tra toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân ở 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) để xác định mức độ an toàn. Bộ trưởng Môi trường Áo Nikolaus Berlakovich cho biết, ông sẽ đề nghị các bộ trưởng môi trường EU trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 14-3 thông qua kế hoạch “kiểm tra độ an toàn của các nhà máy hạt nhân”.

Tại Anh, người phát ngôn Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu tuyên bố, chính phủ và các cơ quan hữu quan đang theo dõi sát tình hình hạt nhân tại Nhật Bản và sẽ “rút ra những bài học kinh nghiệm” cho các nhà máy điện hạt nhân ở Anh. Ngày 13-3, những người đứng đầu các bộ chủ chốt, lãnh đạo các cơ quan năng lượng hạt nhân và các công ty hoạt động trong lĩnh vực này ở Pháp đã nhóm họp.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Pháp Francois Fillon bày tỏ mong muốn Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) phổ biến thông tin đầy đủ về những nguy cơ hạt nhân sau thảm họa ở Nhật Bản. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, nước này sẽ kiểm tra toàn diện các tiêu chuẩn về an toàn của 17 nhà máy điện hạt nhân tại nước này.

Cùng ngày, tờ Sydney Morning Herald của Australia ngày 14-3 cho biết, hiệu ứng phóng xạ của các lò phản ứng hạt nhân có thể đã lan xa hơn dự kiến. Phát biểu với hãng tin ABC, Tư lệnh Jeff Davis của Mỹ cho biết, các thủy thủ trên tàu USS Ronald Reagan đã bị nhiễm phóng xạ khi tàu sân bay này đi qua khu vực Thái Bình Dương. Ông cho biết hiện tàu sân bay này cùng 6 chiếc tàu khác đang trên đường đến bờ biển phía Đông Nhật Bản để tham gia nỗ lực cứu trợ đã phải thay đổi hướng đi theo hướng gió thổi từ các nhà máy hạt nhân. Tính đến nay, đã có khoảng 160 người bị nhiễm phóng xạ ở mức độ nguy hiểm, trong đó 3 công nhân trong các nhà máy trên đã xuất hiện những triệu chứng nhiễm phóng xạ nặng.

H.Xuân

Tin cùng chuyên mục