Tháp Pô Klong Garai tại Phan Rang - Ninh Thuận đã được đầu tư gần 2 tỷ đồng để san nền, làm đường bậc thang lên tháp, hệ thống điện chiếu sáng, nước sinh hoạt, nhà đón tiếp du khách. Tháp Pô Rômê tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận được đầu tư hơn 25 tỷ đồng để tu bổ tháp Bắc, bảo tồn tháp Nam, nâng cấp các công trình kiến trúc phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cấp điện, cấp nước.
Các tháp Chăm nổi tiếng vừa được trùng tu đã góp phần làm cho lễ hội Katê và ngày hội văn hóa Chăm (14, 15, 16-10) tại Ninh Thuận thêm vui tươi, sôi động, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em. (B.N.)
* Sáng 17-10, tại Bảo tàng TPHCM sẽ khai mạc Triển lãm ảnh Nhật Bản: Phát triển thần kỳ sau thế chiến do Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM phối hợp với Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức, nhằm tăng cường giao lưu văn hóa và hiểu biết lẫn nhau giữa Nhật Bản và Việt Nam. Hơn 100 ảnh đen trắng của 11 nhiếp ảnh gia hàng đầu Nhật Bản sẽ được trưng bày tại triển lãm, chia theo 3 giai đoạn: Hậu chiến, Giữa truyền thống và hiện đại, Hướng tới Nhật Bản mới. (T.HẰNG)
* Liên hoan Âm nhạc châu Âu 2012 do Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật (Cục Nghệ thuật biểu diễn) phối hợp cùng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và một số đại sứ quán các nước thành viên tổ chức, diễn ra từ 22-11 đến 1-12 tại Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) và tại Nhạc viện TPHCM. Hoạt động này nhằm củng cố và mở rộng giao lưu văn hóa, nâng cao nhận thức và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nước ta và Liên minh châu Âu, qua đó giới thiệu và quảng bá rộng rãi âm nhạc Việt Nam trên trường quốc tế. (B.N.)
* Dự thảo Quy chế tổ chức lễ hội (festival) ngành nghề do Bộ VH-TT-DL soạn thảo nhằm phân loại lễ hội, quy mô, cấp độ tổ chức lễ hội. Theo đó, lễ hội cấp quốc gia tổ chức 5 năm/lần. Các lễ hội cấp địa phương do chủ tịch UBND tỉnh hoặc thủ trưởng các cơ quan Trung ương quyết định. Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức lễ hội.
Đối với lễ hội cấp quốc gia do địa phương chủ trì, ngân sách trung ương hỗ trợ không quá 50%, địa phương vận dụng xã hội hóa một phần. Đối với lễ hội cấp địa phương, ngân sách địa phương hỗ trợ không quá 50%, còn lại là xã hội hóa. Các lễ hội khác sử dụng kinh phí xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước. (B.N.)
* Hãng phim Hoàng Anh Tú phối hợp với SCTV, ngày 16-10, bấm máy bộ phim truyện truyền hình Thương lắm đò ơi dài 40 tập (đạo diễn Mai Dũng).
Câu chuyện phim xảy ra tại vùng sông nước miền Tây Nam bộ. Thông qua cuộc sống, tính cách của ba nhân vật chính: Hưng, Hạo, Nguyệt, phim muốn chuyển tải đến khán giả thông điệp hãy yêu thương cuộc sống, con người bằng tình yêu thương chân thành và hãy gìn giữ môi trường tự nhiên mãi tươi xanh, đừng vì lợi ích cá nhân trước mắt mà phá bỏ sự cân bằng sinh thái, đánh mất đi tình làng nghĩa xóm. Phim có sự tham gia của các diễn viên: Thiên Bảo, Đình Hiếu, Kim Ngọc… và sẽ được phát sóng trên SCTV14. (N.H.)
* Ca sĩ Nam Cường vừa phát hành album single DVD Nói đi em với hai bản ballad trữ tình của hai nhạc sĩ trẻ Phạm Bảo Nam và Lương Duy Thắng với phần hòa âm của nhạc sĩ Minh Khang. Vẫn là những giai điệu nhẹ nhàng, dễ nghe; hai ca khúc Nói đi em và Tin yêu trong DVD được thể hiện hết sức lãng mạn cùng với sự tham gia minh họa của Dương Yến Ngọc và Lê Nhã Uyên.
Qua DVD này, Nam Cường đang có những thay đổi tích cực cả về giọng hát, sự biểu cảm và hình ảnh về một nam ca sĩ chững chạc. (N.H.)
* Công ty Ý Tưởng Mới, ngày 15-10, đã ra mắt website www.saigongiaitri.net với nhiều thông tin giải trí dành cho độc giả. Qua website này, độc giả có thể tìm kiếm những thông tin như lịch giải trí ca nhạc, phòng trà, sân khấu, chiếu phim, triển lãm; các khu vui chơi; lịch diễn của các ngôi sao; album mới; thế giới showbiz; quán ngon Sài Gòn; cà phê sành điệu… (V.AN)