
Cuối tháng 7-2013, Cục Thú y nhận định cả nước không còn tỉnh nào có dịch cúm gia cầm. Đây là một nỗ lực lớn trong phòng chống cúm gia cầm. Song những thông tin ghi nhận về các trường hợp nhiễm mới cúm A/H5N1 ở Campuchia, H7N9 ở Trung Quốc càng thấy nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát bất kỳ lúc nào khi các mầm bệnh vẫn lưu tồn qua nhiều đường và người dân vẫn còn lơ là…
Vẫn còn nhiều nguồn lây lan
Tỉnh Tây Ninh đang khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp chủ động ngăn chặn dịch cúm tại 5 huyện biên giới trước tình hình dịch cúm gia cầm đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp tại Campuchia. Tháng 7-2013, Campuchia ghi nhận một cậu bé 3 tuổi ở tỉnh Prey Veng (một địa phương giáp Việt Nam) nhiễm virus cúm gia cầm H5N1. Trong số 14 ca nhiễm virus H5N1 từ đầu năm 2013 đến nay ở Campuchia đã có 9 người tử vong. Nạn nhân mới chết do virus H5N1 vào ngày 28-6 là bé gái 6 tuổi, ở tỉnh Kampot, cũng là địa phương giáp Việt Nam. Tỉnh Tây Ninh đang thực hiện chiến dịch tổng tiêu độc, khử trùng đồng thời tiêm phòng 600.000 liều vaccine phòng cúm H5N1 cho toàn bộ đàn gia cầm, thủy cầm nuôi nhỏ lẻ tại địa bàn 5 huyện biên giới. Được biết đầu năm 2013, tỉnh Tây Ninh đã xuất hiện một số ổ dịch cúm gia cầm tại huyện Bến Cầu và thị xã Tây Ninh. Đây là phản ứng phòng vệ cần thiết của Tây Ninh.

Hồi tháng 1-2013, Campuchia thông báo phát hiện và ghi nhận 4 ca tử vong do nhiễm virus cúm gia cầm H5N1. Sau đó, số ca tử vong do cúm H5N1 liên tục tăng tại nước này. Thời điểm này đã có cảnh báo về nguy cơ dịch cúm A/H5N1 sẽ tái phát ở ĐBSCL, nhất là những tỉnh giáp Campuchia. Đồng Tháp là địa phương đầu tiên ở biên giới Tây Nam ghi nhận trường hợp tử vong cúm H5N1 trên người. Sau ca tử vong cúm H5N1 trên người ở Đồng Tháp, nhiều người không khỏi giật mình khi ngành y tế dự phòng tỉnh này cho biết: “Có tới 24/70 mẫu gia cầm lấy tại các chợ trong tỉnh dương tính với cúm A/H5N1, chiếm 33%”. Nghe qua con số này, những người am hiểu về dịch cúm H5N1 không khỏi lo sợ. Bởi số gia cầm nhiễm bệnh này có thể là nguyên nhân khiến dịch cúm bùng phát trên diện rộng. Trong khi đó, việc buôn bán, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc, khó kiểm soát ở các tỉnh phía Nam càng làm tăng nguy cơ nhiễm cúm A/H5N1 trên người và gia súc. Điều đáng quan ngại hiện nay, nguy cơ nhiễm cúm A/H5N1 từ người sang người đã được cảnh báo, song đáng lo ngại là hàng ngày vẫn có hàng ngàn người sang Campuchia đánh bạc, nguy cơ lây nhiễm cúm luôn rình rập.
Kiện toàn mạng lưới cán bộ thú y
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ phía cơ quan chức năng ở các tỉnh biên giới Tây Nam giáp Campuchia, mỗi ngày có khoảng 3.000 người Việt Nam sang Campuchia đánh bạc. Vùng biên giới giáp ranh Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Tây Ninh... đều có sòng bạc “bao vây” các cửa khẩu bên phía Campuchia. Trong khi đó, công tác kiểm dịch y tế trên người qua lại biên giới đang lúng túng. Hiện nay, tại Đồng Tháp, công tác kiểm dịch không thực hiện được trên tất cả người qua lại tại cửa khẩu mà chỉ thực hiện trên các đối tượng xuất phát từ vùng dịch, đồng thời cũng chỉ được thực hiện tại 2 cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (Tân Hồng) và Thường Phước (Hồng Ngự). Một lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp thừa nhận, lực lượng y tế rất mỏng, phải phối hợp với bệnh viện, trung tâm y tế huyện khi có tình huống cần hỗ trợ. Bên cạnh đó, khu kiểm tra liên ngành biên giới chưa hoàn chỉnh, sắp tới, khi đưa vào hoạt động, trung tâm y tế dự phòng tỉnh sẽ triển khai máy đo thân nhiệt bằng tia hồng ngoại để kiểm tra tất cả những người qua lại biên giới.
Theo Cục Thú y, hiện công tác phòng chống dịch ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí và đặc biệt là trình độ của cán bộ thú y xã còn yếu kém. Thống kê cho thấy, có khoảng 50% cán bộ thú y tại các xã không có bằng cấp, 30% được đào tạo kiến thức sơ khai về thú y. Ngoài ra, do phụ cấp thấp nên nhiều cán bộ thú y xã không đủ chi phí phục vụ việc báo cáo thường xuyên về dịch. Đây là lỗ hổng lớn và được đề cập nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được. Thực tế, nhiều địa phương trong vùng chỉ nhận ra dịch cúm gia cầm bùng phát khi phát hiện ra trường hợp tử vong trên người. “Thật khó phát hiện và tiêm phòng vịt nuôi chạy đồng ở dạng nhỏ lẻ 80-100 con/đàn. Vì người dân nuôi dạng này chủ yếu bán thịt, thường né tránh tiêm phòng vaccine, lực lượng thú y mỏng, rất khó quản lý”, một lãnh đạo ngành thú y tỉnh Hậu Giang nhìn nhận. Đây là một thực trạng nan giải do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ của người dân ĐBSCL. Tuy nhiên, nếu đội ngũ cán bộ thú y được kiện toàn kèm theo các chế độ, chính sách phù hợp thì kênh tiếp nhận thông tin về cúm gia cầm sẽ thông suốt, giúp ngành chức năng nhanh chóng khoanh vùng dập dịch.
“Khi có dịch cúm xảy ra thì nhiều ngành mới hỗ trợ ngành thú y dập dịch. Còn bình thường thì khoán trắng mọi việc cho ngành thú y”, một lãnh đạo cán bộ thú y ở ĐBSCL than phiền. Người dân buôn bán gia cầm cũng thế, khi có dịch thì dẹp bán gia cầm sống ở các chợ, khi hết dịch cúm lại bày bán tràn lan.
CAO PHONG