Các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Cần dữ liệu chung về sản lượng, quy trình sản xuất nông sản

Tăng cường công tác quản lý, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và quản lý chất lượng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực nhằm đáp ứng yêu cầu về sản phẩm có chất lượng cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và khả năng cung ứng nông sản với số lượng lớn theo yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu… là xu thế tất yếu của hầu hết địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy vậy, để triển khai thành công còn rất nhiều việc phải làm.
Rau VietGAP trồng tại huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Rau VietGAP trồng tại huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Những kết quả ban đầu

Số liệu từ Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, hiện toàn tỉnh có tổng diện tích sản xuất rau củ quả bình quân hàng năm khoảng 8.659ha, năng suất bình quân đạt 18,5 tấn/ha, sản lượng đạt 160.242 tấn. Các tiêu chuẩn sản xuất theo quy trình sản xuất tốt hiện nay đang được áp dụng gồm: VietGAP, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, quy mô áp dụng hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc công ty. Cụ thể, diện tích áp dụng sản xuất tiêu chuẩn toàn tỉnh đạt 258,76ha.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, hầu hết trang trại chăn nuôi quy mô lớn đều được đầu tư công nghệ hiện đại, nuôi chuồng kín, thông gió cưỡng bức và thường xuyên cập nhật các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới vào sản xuất. Các khâu sản xuất được cơ giới hóa như: phối trộn thức ăn, hệ thống thiết bị về cấp nước, thức ăn, vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường, trang bị hệ thống dây chuyền giết mổ tự động đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.  

Về định hướng phát triển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định tăng cường các hình thức liên doanh, liên kết và đầu tư sản xuất các sản phẩm theo chuỗi. Từ đó góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất theo hợp đồng, nhằm tránh tình trạng “được mùa, mất giá”. Tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và nông thôn, khuyến khích, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế trang trại. Lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương để tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất với quy mô lớn, bảo đảm chất lượng gắn với thị trường thông qua hợp đồng, đồng thời mời gọi các doanh nghiệp tham gia thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tổ chức lại các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp để làm đầu mối, kết nối với các doanh nghiệp sơ chế, chế biến hình thành chuỗi liên kết sản xuất để phân phối sản phẩm. Triển khai các dự án xây dựng chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Phát triển sản xuất sản phẩm theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm an toàn, là hạt nhân để hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Tương tự, tỉnh Đồng Nai có tổng diện tích tự nhiên gần 6.000km², trong đó, diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 70%, hơn 60% dân số sống ở vùng nông thôn; cơ cấu kinh tế công nghiệp và dịch vụ chiếm hơn 94%, nông nghiệp chiếm tỷ trọng chưa tới 6%. Mặc dù là tỉnh công nghiệp, dịch vụ, song với tính chiến lược lâu dài của phát triển kinh tế, Đồng Nai luôn coi trọng nông nghiệp, nông dân, nông thôn; coi nông nghiệp, nông thôn là yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của tỉnh. 

Những năm qua, nông nghiệp nông thôn Đồng Nai đã có bước phát triển tích cực, đánh dấu một mốc mới trong thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm ngành hàng và toàn ngành nông nghiệp tỉnh. 

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 132 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của 67 doanh nghiệp, cơ sở sơ chế, chế biến; 52 hợp tác xã và 18 tổ hợp tác tham gia, gồm: 82 chuỗi trồng trọt, 29 chuỗi chăn nuôi, 4 chuỗi thủy sản và 15 chuỗi chợ an toàn thực phẩm. Sở NN-PTNT đã xây dựng và triển khai thực hiện được 23 chuỗi kiểm soát sản phẩm an toàn, 270 điểm bày bán sản phẩm an toàn; giới thiệu đến người tiêu dùng các loại sản phẩm chủ lực của tỉnh như thịt heo, thịt gà, trứng, sản phẩm chế biến từ thịt, rau quả, nấm và các sản phẩm chế biến từ sữa. Sở Công thương tỉnh Đồng Nai đã xây dựng 99 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn đối với mặt hàng thịt heo, rau củ quả tại 12 chợ trên địa bàn huyện Thống Nhất, Tân Phú, Trảng Bom; TP Long Khánh, Biên Hòa.

Hướng đến quy trình sản xuất chung cho toàn vùng

Theo nhận định của đại diện Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, dù đã đạt được những kết quả ban đầu trong việc chuyển đổi vật nuôi, cây trồng theo hướng an toàn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, tăng trưởng chưa thật sự bền vững, thu nhập của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp nhìn chung chưa cao; chịu tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng; sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt trong quá trình hội nhập kinh tế, quốc tế; chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch phát triển chưa mạnh, thị trường tiêu thụ, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa thật sự ổn định; công nghiệp chế biến, bảo quản và thương mại lĩnh vực nông nghiệp chưa phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế của địa phương. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa có thế mạnh của tỉnh còn hạn chế; chất lượng kết cấu hạ tầng và dịch vụ nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng kịp với yêu cầu tăng nhanh của sản xuất và phục vụ đời sống dân cư.

Trước tình hình trên, đại diện Sở Công thương Tiền Giang đề nghị TPHCM tiếp tục làm đầu tàu trong việc nghiên cứu, đề xuất chính sách thúc đẩy kết nối - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm. Xây dựng cơ sở dữ liệu chung về sản lượng, quy mô nông sản thực phẩm để thuận lợi trong việc kết nối; xây dựng cơ sở dữ liệu chung về quy trình sản xuất cho nông sản. Trên cơ sở đó, các địa phương linh hoạt ứng dụng nhằm tạo chất lượng sản phẩm cao, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho tiêu thụ và chế biến.

Về phía tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng cần sự phối hợp giữa TPHCM và các tỉnh, thành trong vùng liên kết, xây dựng lộ trình cụ thể trong việc áp đặt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong thu mua rau quả, thịt, trứng và các sản phẩm khác ở chợ đầu mối, để tạo áp lực cho phía nhà sản xuất áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng an toàn. Hiện Đồng Nai đang xem xét triển khai thực hiện đề án phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel trên địa bàn. Đề án tập trung xây dựng và phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trải rộng trên địa bàn các huyện có lượng nông sản thực phẩm lớn, theo mô hình liên kết theo chiều dọc, gồm nông dân - thu gom/sơ chế - chế biến/xuất khẩu. Khi lượng hàng hóa dành cho xuất khẩu đủ lớn, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sẽ xem xét đầu tư khu logistics tập trung theo nhu cầu của thị trường. Do đó, Sở Công thương Đồng Nai đồng thuận với chính sách đầu tư phát triển hệ thống logistics chuyên dùng cho ngành nông sản thực phẩm ở cấp độ vùng. Tuy nhiên, việc quy hoạch các kho logistics này phải đảm bảo thống nhất với quy hoạch của ngành giao thông vận tải và quy hoạch chung của tỉnh. 

Một số ý kiến cũng cho rằng, do đặc thù sản xuất nên mỗi địa phương cần lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực để tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất với quy mô lớn, đảm bảo chất lượng gắn với thị trường thông qua hợp đồng. Đồng thời mời gọi các doanh nghiệp tham gia thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, hướng đến phát triển ổn định và bền vững.

Tin cùng chuyên mục