Các trung tâm dạy nghề tại Nghệ An đầu tư nhiều, dạy chẳng bao nhiêu

Nghệ An là một trong những tỉnh có diện tích và dân số lớn nên nhu cầu về việc làm, việc học nghề, nhất là với lao động ở địa bàn nông thôn và miền núi rất lớn. Từ thực tế đó, các trung tâm dạy nghề (TTDN) đã được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu của người học. Nhưng thực tế lại khá bất cập. Dù được đầu tư hàng chục tỷ đồng với cơ ngơi trường lớp khang trang nhưng 12 TTDN ở 12 huyện trên địa bàn tỉnh lại đang trong tình trạng “đầu tư nhiều, dạy chẳng bao nhiêu”.
Các trung tâm dạy nghề tại Nghệ An đầu tư nhiều, dạy chẳng bao nhiêu

Nghệ An là một trong những tỉnh có diện tích và dân số lớn nên nhu cầu về việc làm, việc học nghề, nhất là với lao động ở địa bàn nông thôn và miền núi rất lớn. Từ thực tế đó, các trung tâm dạy nghề (TTDN) đã được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu của người học. Nhưng thực tế lại khá bất cập. Dù được đầu tư hàng chục tỷ đồng với cơ ngơi trường lớp khang trang nhưng 12 TTDN ở 12 huyện trên địa bàn tỉnh lại đang trong tình trạng “đầu tư nhiều, dạy chẳng bao nhiêu”.

Xây trung tâm lớn, nhưng học ở thôn - bản

TTDN huyện Tương Dương được đưa vào sử dụng tháng 5-2010 với kinh phí 5,4 tỷ đồng. Với một huyện miền núi thuộc diện 30A thì một tòa nhà 2 tầng với 10 phòng học khang trang được xem là “hoành tráng”. Thế nhưng, theo ông Trần Văn Thông, Giám đốc TTDN huyện Tương Dương, năm 2015 đơn vị chỉ mở được 6 lớp học nghề nông nghiệp cho 174 học viên. Nhưng 6 lớp học này phần lớn thời gian học ở các thôn - bản, chỉ một số giờ học lý thuyết mới dạy tại trung tâm. Ông Thông lý giải: “Thực tế dạy ở trung tâm rất ít vì một số buổi học lý thuyết cũng phải dạy ở thôn - bản để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên theo học. Năm 2014, trung tâm chỉ mở 8 lớp học nhưng phần lớn cũng dạy ở cơ sở. Còn việc tổ chức được ít lớp học do trung tâm được tỉnh cấp kinh phí từ nguồn đào tạo lao động nông thôn (nguồn mục tiêu quốc gia theo Đề án 1956 của Chính phủ). Năm 2015, tỉnh cấp 330 triệu đồng, năm 2014 cấp 400 triệu đồng. Số kinh phí này tương ứng với số lớp trung tâm đã mở”. Trong khi TTDN vắng học viên thì tháng 7-2015, khu ký túc xá với kinh phí xây dựng hơn 10 tỷ đồng được hoàn thành, đủ để giáo viên và 140 học viên ở. Nhưng từ khi khánh thành đến nay, số học viên đến ở rất ít.

TTDN Tương Dương có “vỏ” hoành tráng nhưng rỗng “ruột”

Tại huyện miền núi Kỳ Sơn, TTDN của huyện này cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Năm 2012, có 15 phòng học (nhà 2 tầng) của trung tâm được đưa vào sử dụng với kinh phí 9 tỷ đồng. Ông Mùa Bá Bì, Phó Giám đốc TTDN Kỳ Sơn, thừa nhận: “Năm 2015, trung tâm chỉ mở được 5 lớp học nhưng tất cả đều học dưới thôn - bản. Mới đây, huyện có ý kiến cho một trường cấp 2 trên địa bàn thị trấn Mường Xén mượn để học vì trường này đang xây dựng”. Không chỉ ở Tương Dương, Kỳ Sơn, còn nhiều huyện ở Nghệ An đang có thực trạng TTDN đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng vắng học viên. Ví như TTDN huyện Tân Kỳ được đầu tư hơn 6 tỷ đồng, TTDN huyện Nghĩa Đàn đầu tư 16 tỷ đồng… nhưng mỗi năm, số lớp học cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đầu tư “vỏ”, thiếu “ruột”

Lý giải việc TTDN bị “hắt hủi”, ông Mùa Bá Bì cho rằng, trường có cơ sở vật chất, thiết bị nhưng hàng năm tỉnh cấp kinh phí hoạt động khá hạn hẹp. Trung tâm cũng đề nghị cấp kinh phí từ huyện nhưng do huyện nghèo nên đành chịu. Còn ông Trần Văn Thông cho biết, dù đơn vị được đầu tư cơ sở vật chất hoành tráng nhưng đó là “cái vỏ”, còn “ruột” trống không. Trung tâm xây 10 phòng học nhưng chỉ 2 phòng có bàn ghế, phòng thực hành không có máy móc gì.

Ông Hoàng Sỹ Tuyến - Phó Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTB-XH tỉnh Nghệ An cũng thừa nhận: “Hiện 12 TTDN ở 12 huyện trên địa bàn tỉnh chủ yếu dạy nghề ở các thôn - bản chứ dạy ở trung tâm rất ít vì phải tạo điều kiện cho lao động nông thôn đi học”.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục