Các yêu sách cần dựa trên luật pháp quốc tế

"Kiểm soát căng thẳng tại biển Đông” là chủ đề của hội thảo biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức vừa diễn ra tại thủ đô Washington, với sự tham dự của khoảng 250 quan chức, học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu về biển Đông đến từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam. Hội thảo đã tập trung vào 3 chủ đề chính: Tầm quan trọng của tranh chấp tại biển Đông, những diễn biến gần đây tại biển Đông và biển Đông đối với tình hình chính trị khu vực.

Theo hãng tin AFP, tại hội thảo, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Joseph Yun khẳng định Mỹ không đứng về bên nào trong các yêu sách và tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải. Tuy nhiên, các yêu sách này cần phải dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Bất cứ bên nào có tuyên bố chủ quyền đều phải chứng minh cho tuyên bố chủ quyền của mình dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng như đặc trưng lục địa của quốc gia đó. Mỹ không ủng hộ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Ông Joseph Yun nhấn mạnh, các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình như đàm phán ngoại giao, hòa giải với sự trợ giúp của bên thứ ba hoặc trọng tài quốc tế. Mỹ hy vọng ASEAN và Trung Quốc sẽ sớm khởi động các cuộc thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) - điểm mấu chốt mang lại giải pháp hòa bình cho các tranh chấp và ngăn chặn xung đột xảy ra ở biển Đông. Xử lý tranh chấp một cách hòa bình thì không nên có những hành vi uy hiếp, khiêu khích và trả thù. Khi một bên tranh chấp quyết định kiện ra tòa án quốc tế thì bên tranh chấp còn lại không được phép có những hành vi vừa nêu.

Những sự cố ngoài ý muốn trên biển Đông trong thời gian gần đây đã khiến dư luận lo ngại rằng tình hình biển Đông ngày một xấu đi sẽ không có lợi cho bất cứ bên nào. Đây cũng là ý kiến chung của những đại biểu tham dự hội thảo. Một số chuyên gia còn nhận định biển Đông ngày càng gần với điểm nóng bùng phát xung đột khi có xu hướng cho thấy một số bên sẵn sàng tăng cường sử dụng vũ lực trong các vụ va chạm trên biển. Gần đây, có một số đề xuất cho rằng các bên nên “gác tranh chấp, hợp tác khai thác”. Nhận định về điều này tại hội thảo, chuyên gia Ernest Z.Bower của CSIS cho rằng việc cùng hợp tác khai thác và phát triển ở vùng tranh chấp đòi hỏi lòng tin và sự minh bạch tối đa, chưa kể tính nhạy cảm về mặt đối nội. Bên cạnh phân tích các khía cạnh pháp lý, các học giả, các nhà nghiên cứu cũng bày tỏ lo ngại về những hành động gần đây của các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, trong việc thực thi cái gọi là chủ quyền của mình trong các vùng biển tranh chấp.

Trong khi đó, ông Gregory Polling, thành viên nghiên cứu Chương trình Đông Nam Á của CSIS, cho rằng các đòi hỏi chủ quyền chồng lấn đối với các đảo và các thực thể địa chất đất, đảo, đá ngoài khơi giữa các nước không thể giải quyết được trong ngắn và trung hạn, và điều quan trọng là phải làm rõ được các khu vực tranh chấp để quản lý và giảm thiểu căng thẳng trong khu vực. Theo ông, hiện giữa các bên liên quan vẫn chưa có niềm tin và thiện chí cần thiết để tiến tới đàm phán về các yêu sách chủ quyền.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục