Cách dạy trẻ ở hải ngoại

Cách đây hai năm, sang Czech thấy bọn trẻ trong gia đình gốc Việt mời cơm trước khi ăn, tôi nghĩ dạy con như thế chu đáo bậc nhất rồi. Vừa rồi đi Munich (Đức), húng hắng ho lấy tay che miệng, lập tức bé An 8 tuổi nhắc “Cô phải đưa khuỷu tay lên che, đừng dùng bàn tay vì đấy là nơi hay tiếp xúc các vật dụng nhiều nhất, chẳng hạn không kịp rửa mà đã bắt tay nhau sẽ dễ lây lan bệnh tật, mất vệ sinh lắm”. Dạy con kiểu Đức thế này chắc khoa học nhất rồi.
Cách dạy trẻ ở hải ngoại

Cách đây hai năm, sang Czech thấy bọn trẻ trong gia đình gốc Việt mời cơm trước khi ăn, tôi nghĩ dạy con như thế chu đáo bậc nhất rồi. Vừa rồi đi Munich (Đức), húng hắng ho lấy tay che miệng, lập tức bé An 8 tuổi nhắc “Cô phải đưa khuỷu tay lên che, đừng dùng bàn tay vì đấy là nơi hay tiếp xúc các vật dụng nhiều nhất, chẳng hạn không kịp rửa mà đã bắt tay nhau sẽ dễ lây lan bệnh tật, mất vệ sinh lắm”. Dạy con kiểu Đức thế này chắc khoa học nhất rồi.

“Cô giáo ở trường dạy đấy”, mẹ bé An giải thích. Người Đức nổi tiếng về tính kỷ luật và tập trung nên khi bé An đi mẫu giáo, xúc ăn gọn gàng rồi nhưng ngồi hay đung đưa vai vẫn bị cô giáo nhắc nhở. Một bà mẹ gốc Việt khác ở Munich kể với tôi rằng: “Thằng bé nhà em làm gì cũng liến thoắng dùng cả hai tay. Mình nghĩ bình thường nhưng nhà trường cho đó là một trong những biểu hiện của bệnh không tập trung. Họ cho theo học ngay một khóa đào tạo tính tập trung miễn phí. Biết đọc biết viết không quan trọng bằng phải rèn được tính tập trung mới cho vào lớp 1”. Trong thời gian luyện cùng con tính tập trung, bà mẹ này phải thường xuyên quan sát, nhắc con một tay để yên trên đùi, tay còn lại chơi cờ hoặc vẽ.

Khắt khe về kỷ luật, đòi hỏi tính tập trung cao nhưng ngay cả người Đức cũng không bắt trẻ phải ôm đồm học nhiều, học khó quá sớm như ở Việt Nam. Năm ngoái, tôi ngỡ ngàng xem bức thư bé Nít (6 tuổi) tự viết để cảm ơn và mời ba mẹ dự lễ tốt nghiệp hệ mẫu giáo của một trường mầm non ở TPHCM. Thư dài hơn mười câu, đầy đủ chủ - vị ngữ, không những nắn nót rất đẹp mà còn viết hoa đầu câu, chấm phẩy đâu ra đấy. Trong khi đó ở Bỉ, bé Tô nhà tôi chuẩn bị vào lớp 1, cô giáo chỉ yêu cầu viết được tên mình theo kiểu thuộc lòng (không nhất thiết nhận diện hết bảng chữ cái), phân biệt rõ màu sắc và hình khối cơ bản; đếm được đến 20 hoặc 100. Kate - con gái đầu lòng của chúng tôi vào lớp 7 vẫn chưa phải học Lý, Hóa. Học kỳ này Kate cảm thấy khó khăn với môn Toán đã có “giờ thứ 8” - tức là mỗi tuần ở lại thêm một tiếng sau giờ học để giáo viên giảng lại những kiến thức chưa hiểu. Nôm na “giờ thứ 8” tức là giờ học thêm hoặc giờ phụ đạo, nhưng không phải trả tiền.

Trẻ em ở Munich (Đức) được vui chơi, tham quan thoải mái trong các kỳ nghỉ

Gần đây tôi chú ý sự kiện ra mắt cuốn sách Ik was 10 in 2015 (tạm dịch: Tôi lên 10 vào năm 2015) của Pedro De Bruyckere và Bert Smits cung cấp cho cha mẹ, giáo viên và các nhà giáo dục cách nuôi dạy trẻ thời nay. Cùng lúc đó, cô bé Hellen 12 tuổi - em họ của các con tôi tuyên bố tốt nghiệp tiểu học sẽ hướng nghiệp ngay chứ không muốn đào tạo lên cao để vào đại học như bé Kate theo đuổi. Trong gia đình chồng tôi xảy ra tranh cãi, bà nội của Hellen - tức mẹ chồng tôi buồn rầu “12 tuổi đã quyết định như vậy e sau này hối hận không kịp”, còn bố mẹ của Hellen đồng tình “Như thế con bé chỉ cần học qua các kiến thức cơ bản bắt buộc và sớm có nhiều thời gian hơn đầu tư những môn hướng theo nghề yêu thích”.

Cuốn sách Tôi lên 10 vào năm 2015 cũng như nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em được đào tạo theo kiểu kiến thức mở rộng thường bắt kịp và có xu hướng tìm được nghề nghiệp tốt hơn bởi kiến thức mở cho phép người ta “học cách học tốt hơn”, linh hoạt hơn, khả năng phân tích tình huống tốt hơn. Trong xã hội “triệu phú một mình xây dựng cơ đồ” như Steve Jobs hay Mark Zuckerberg được coi là thần tượng ngày nay, giá trị của bằng cấp ngày càng trở thành câu hỏi lớn. Peter Thiel - người sáng lập hệ thống thanh toán điện tử PayPal còn muốn lập quỹ trao giải thưởng cho những người trẻ tuổi chọn cách bắt đầu tự kinh doanh thay vì tiếp tục học lên đại học.

Đại học Standford ở Mỹ từng làm thí nghiệm - gửi tin nhắn ba lần mỗi tuần cho một nhóm cha mẹ khuyến khích thực hiện những mẹo nhỏ giúp trẻ học ngôn ngữ và Toán một cách thoải mái hơn. Ví dụ khi cha mẹ tắm cho trẻ hãy đọc to những chữ viết trên chai dầu gội đầu và chỉ cho con nhận biết những chữ cái có trong tên của mình. Hiệu quả hơn hẳn kiểu chúi mặt vào sách vở và ngồi dính chặt vào bàn ghế.

Những người bạn Singapore, Đài Loan lấy chồng ở Bỉ bảo họ cũng như tôi, mùa hè về thăm quê phải mua sách Toán của học sinh lớp 2 - 3 cho con mình đang học lớp 4 - 5 bên này làm thêm mới vừa sức. Rõ ràng trẻ ở Việt Nam học nhiều hơn và sớm hiểu biết hơn trẻ cùng lứa bên này, vậy mà ai cũng muốn cho con du học Âu, Mỹ, Úc?


KIỀU BÍCH HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục