Hàng hóa, nông sản Việt Nam sẽ cạnh tranh như thế nào, làm sao để giành giật được thị trường nội địa khi theo lộ trình cam kết ACFTA giai đoạn 2016 - 2018, hàng ngàn sản phẩm của các nước trong khu vực ASEAN và Trung Quốc sẽ tràn vào thị trường Việt Nam với thuế suất bằng 0%?
Nông sản yếu thế
Như Báo SGGP đã thông tin, Chính phủ vừa thông qua Nghị định 128/2016/NĐ-CP về việc ban hành biểu thuế nhập khẩu hàng hóa nhằm thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016 - 2018. Trong đó, chấp thuận cho phép hàng ngàn sản phẩm, hàng hóa từ nông - thủy sản đến máy móc linh kiện, hàng tiêu dùng, may mặc… từ các nước thuộc ASEAN và Trung Quốc được vào thị trường Việt Nam với thuế suất 0% (hoàn toàn miễn thuế). Đây là cam kết mở cửa thị trường theo xu thế tự do hóa thương mại mà Việt Nam là một trong các thành viên tham gia, đổi lại chúng ta sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi hơn cho một số loại hàng hóa, nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường các nước đã cam kết trong hiệp định. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nhận định, khi thực hiện các hiệp định về tự do hóa thương mại, nông sản sẽ là thị trường chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất do năng lực cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam hiện nay đang rất yếu kém so với hàng nông sản ngoại, bao gồm cả về giá thành, chất lượng và khoa học - công nghệ cũng như suất đầu tư cho nông nghiệp.
Vải thiều của tỉnh Bắc Giang được chiếu xạ tại Hà Nội để xuất khẩu sang Australia
Trong số hàng ngàn mặt hàng được phép miễn thuế khi vào Việt Nam sắp tới, đứng đầu danh sách là rất nhiều loại nông - thủy sản, trái cây… Thời gian qua, gia cầm từ Trung Quốc, trâu bò lậu từ Campuchia, Lào tràn vào nước ta, gây xáo trộn và khó khăn cho tình hình chăn nuôi trong nước, lây lan dịch bệnh, chủ trại thua lỗ do phải bán dưới giá thành. Các loại trái cây từ Trung Quốc và Thái Lan cũng ồ ạt vào Việt Nam từ nhiều năm nay, không chỉ cạnh tranh về giá mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, khi thuế suất giảm còn 0% thì chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp đổ xô nhập khẩu “nông sản ngoại” về Việt Nam.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường thuộc Viện Nghiên cứu chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn dẫn chứng, trong khi tỏi và hành tím của Việt Nam bị ế đọng, nông dân trồng không bán được thì tại thị trường Quảng Tây - Trung Quốc đang có rất nhiều tỏi và hành từ tận Myanmar vòng qua Trung Quốc vào Việt Nam. Làng Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) và khu vực phường Hòa Đình (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) là “tổng kho” của các loại nông sản Trung Quốc nhập khẩu trước khi vào sâu trong thị trường nội địa. Nhiều năm nay, đã từng rộ lên tình trạng khoai tây Trung Quốc được vận chuyển ồ ạt về Đà Lạt (Lâm Đồng) qua cửa ngõ Lào Cai để đội lốt khoai tây Đà Lạt trước khi đưa về TPHCM tiêu thụ. Còn tại miền Bắc, hiện đang bước vào mùa thu hoạch cam Hà Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang và quýt Lạng Sơn… nhưng người tiêu dùng vẫn rất e dè vì không nắm rõ nguồn gốc, lo sợ mua nhầm trái cây Trung Quốc.
Khẳng định bằng chất lượng, thương hiệu
Đứng ở góc độ làm thế nào để bảo vệ thị trường nông sản nội địa, cụ thể như thị trường rau củ quả, lúa gạo…, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho rằng, chúng ta phải triển khai rất nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản như đầu tư khoa học - công nghệ, nghiên cứu giống năng suất cao và chất lượng, kết nối thông tin thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu… nhưng đồng thời phải tăng cường hàng rào kỹ thuật, kiểm soát chặt điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm với nông sản nhập khẩu.
Theo ông Hoàng Trung, nhiều năm qua trái cây Thái Lan tràn vào Việt Nam chiếm lĩnh thị phần, trong đó có xoài là sản phẩm mà hiện nay nông dân Nam bộ đang trồng được và mang lại thu nhập cao. Xoài Thái không ngon bằng xoài Việt nhưng vẫn được thị trường đón nhận vì lạ. Tuy nhiên gần đây, Cục Bảo thực vật buộc phải ra thông tư đề nghị ngăn chặn tình trạng xoài nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam qua cửa khẩu Hà Tiên, Kiên Giang vì giữa Việt Nam và Thái Lan chưa đàm phán về việc xuất nhập khẩu xoài, đề nghị cơ quan hải quan và kiểm dịch cửa khẩu phải kiểm soát chặt thông qua hình thức kiểm dịch. Bởi không loại trừ tình trạng doanh nghiệp lợi dụng nhập xoài Thái vào nội địa rồi xuất khẩu (tạm nhập tái xuất), làm thiệt hại cho hàng ngàn hộ trồng xoài ở Nam bộ.
Trong một hội thảo về nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam diễn ra mới đây, tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, để chủ động đón hội nhập, mở cửa thị trường, hiện chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, tập trung vào những sản phẩm mũi nhọn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đưa công nghệ mới vào sản xuất theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao…, làm được điều này mới có thể cạnh tranh được nông sản ngoại ngay trên sân nhà. Trong khi đó, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (thuộc Bộ NN-PTNT) Hoàng Thanh Vân lạc quan rằng, nếu thực hiện tốt chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi công nghệ cao và quy mô lớn thì không lo sợ bị lép vế trước thực phẩm ngoại, chỉ cần 10 doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi là đủ cung ứng cho thị trường cả nước, ngành chăn nuôi hiện còn đang hướng đến xuất khẩu.
Ở góc độ thị trường, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, giải pháp sống còn và bền vững nhất vẫn là nâng cao chất lượng (từ độ an toàn đến mẫu mã bắt mắt) và đặc biệt là thương hiệu cho sản phẩm, để trước hết là tạo được niềm tin, chiếm lĩnh và đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Một khi người tiêu dùng đã tin cậy thì sẽ lựa chọn sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam.
VĂN PHÚC