Trước tình hình dịch cúm A/H1N1 quay trở lại và thời tiết thay đổi thất thường khiến không ít người lo ngại. Nhiều bậc phụ huynh do chưa trang bị kiến thức về bệnh cúm nên phát hiện bệnh muộn, khi đưa con em đi cấp cứu đã biến chứng nặng, khó điều trị và có nguy cơ tử vong cao.
- Cúm là một bệnh nhiễm trùng có thể gây sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ thể và các triệu chứng khác. Bệnh cúm có nhiều dạng: bệnh cúm theo mùa, cúm theo đại dịch như cúm heo A/H1N1 và cúm gia cầm A/H5N1.
- Các triệu chứng cúm thông thường: sốt, ho, đau họng, đau đầu hoặc đau nhức cơ thể.
- Bệnh cúm nguy hiểm không? Bệnh cúm vẫn có thể gây nguy hiểm và có thể tử vong nếu không được bác sĩ khám và chỉ định uống thuốc kịp thời. Bệnh cúm có thể gây nên viêm phổi. Đó là lý do quan trọng tại sao nên phòng tránh để không mắc bệnh cúm.
- Bảo vệ bản thân khỏi bệnh cúm bằng cách: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước; chủng ngừa cúm hàng năm.
- Nên làm gì nếu bị mắc bệnh cúm? Hãy ở nhà, nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Có thể uống Acetaminophen để làm giảm sốt và đau nhức. Không dùng Aspirin hoặc thuốc có chứa Aspirin cho trẻ em dưới 18 tuổi. Ở trẻ em, Aspirin có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Hầu hết mọi người bị cúm đều có thể tự vượt qua được trong vòng 1 đến 2 tuần. Nhưng nên đến khám bác sĩ ngay khi: khó thở, đau vùng bụng hoặc tức ngực, đột nhiên bị chóng mặt, cảm thấy khó chịu trong người, ói nhiều lần.
- Với trẻ em bị cúm, cần theo dõi và khám bác sĩ ngay khi phát hiện: thở gấp hay khó thở; sắc mặt bắt đầu chuyển màu xanh hoặc tím tái; không uống đủ nước; không thức dậy hay không có phản ứng tiếp xúc; sốt phát ban…
THIÊN NGỮ (BV Nhi đồng 2)
>> Phòng ngừa cúm A/H1N1 ra sao?