
Do thiếu nguồn lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn kỹ thuật và ngoại ngữ nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) Việt Nam (VN) đã bỏ mất cơ hội đưa lao động đi nước ngoài làm việc.
- Lao động giỏi nghề - hiếm hoi

Đào tạo nghề may trước khi đưa lao động đi Nhật Bản tu nghiệp tại Công ty Suleco.
Đưa cho chúng tôi xem những hợp đồng mới ký kết với đối tác nước ngoài, ông Ngô Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động Công ty Du lịch Dịch vụ dầu khí, than thở: “Họ cần tuyển ngay hàng trăm lao động đi Úc làm bánh mì và đi Mỹ làm việc trên các dàn khoan như nghề thợ hàn, thợ lắp ráp, thợ thổi cát, thổi sơn... nhưng trung tâm chúng tôi không thể tuyển được. Trong khi trung tâm chưa chuẩn bị được nguồn thì đối tác cứ đòi xem mặt mũi lao động của ta như thế nào…”.
Cái khó trong việc tìm ứng viên đáp ứng yêu cầu của đối tác là phải biết nghề chuyên sâu, kỹ năng nghề thành thục. Nghĩa là những ứng viên này phải được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Để đảm bảo chất lượng tuyển dụng, phía đối tác trực tiếp sang Việt Nam (VN) phỏng vấn và chọn lựa lao động.
Ông Thu cho biết thêm: “Riêng đối với hợp đồng đưa thợ đi làm trên dàn khoan ở Mỹ, nếu được tuyển dụng thì sau này trở về nước số lao động đi xuất khẩu này sẽ được công ty tiếp nhận vào làm việc đúng ngành nghề trên các dàn khoan của công ty”.
Sau một thời gian triển khai việc tuyển lao động có trình độ cao đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore làm việc, ông Lê Văn Hạ, Trưởng phòng xuất khẩu chuyên gia - kỹ sư Công ty SOVILACO, cũng bộc bạch: “Nhiều kỹ sư của ta tốt nghiệp ra trường nhưng đọc bản vẽ và thực hiện các yêu cầu trắc nghiệm về kỹ thuật của đối tác không đạt yêu cầu”. Vì thế, cơ hội tuyển lao động có trình độ cao đi làm việc ở nước ngoài với thu nhập hấp dẫn đang vuột dần…
- Đào tạo nghề căn cơ - việc cần làm ngay
Thực tế cho thấy lâu nay chúng ta đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo kiểu “ăn xổi ở thì” là chính. Nghĩa là chỉ sau khi ký được hợp đồng đưa lao động vào thị trường nào đó thì các công ty XKLĐ mới nháo nhào đi tìm kiếm nguồn hoặc tổ chức đào tạo giáo dục định hướng một cách qua quýt,”vơ bèo vạt tép” cho đủ số lượng do phía đối tác yêu cầu. Chính vì thế, nhiều lao động đi xuất khẩu nhưng chưa được trang bị tay nghề, kiến thức cơ bản về văn hóa, phong tục tập quán cũng như luật pháp nước sở tại.
Trước xu thế cạnh tranh mở rộng thị phần xuất khẩu lao động, nhiều nước có truyền thống như Philippines đã đầu tư, mở ra cả ngàn trung tâm đào tạo, huấn luyện lao động trước khi đưa họ ra nước ngoài làm việc. Hàng năm, Philippines xuất khẩu trên 1 triệu lao động và họ đã đem về cho đất nước nguồn ngoại tệ khổng lồ, khoảng 7 - 8 tỷ USD/năm. Còn chúng ta, dù có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa thể đẩy con số lao động xuất khẩu vượt qua ngưỡng 100 ngàn người/năm. Ước tính riêng năm 2005, cả nước đưa được gần 70 ngàn người đi làm việc ở nước ngoài.
Hoạt động xuất khẩu của ta trong thời gian vừa qua đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, thiếu tầm nhìn dài hơi. Lao động của ta có ưu điểm nhanh nhẹn, thông minh, tiếp thu tay nghề kỹ thuật nhanh nhưng ngược lại tính kỷ luật, tác phong công nghiệp và ý thức vươn lên lại thua xa lao động các nước khác. Để hội nhập với thị trường lao động quốc tế, đòi hỏi VN phải có chiến lược chuẩn bị nguồn lao động có tay nghề kỹ thuật cho xuất khẩu một cách bài bản. Thế nhưng, khi nói đến việc chuẩn bị nguồn lao động theo từng thị trường, nhiều doanh nghiệp XKLĐ lại tỏ ra băn khoăn.
Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp XKLĐ chỉ được phép tổ chức đào tạo giáo dục định hướng cho người lao động khi đã có hợp đồng và được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định. Như thế, việc đào tạo chuẩn bị nguồn lao động trước khi có hợp đồng sẽ đi ngược quy trình cho phép? Trả lời vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Nguyễn Thanh Hòa nói rằng, Bộ LĐ-TB-XH luôn khuyến khích các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lao động thông qua đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ trước khi đi nước ngoài làm việc.
Tuy nhiên, việc thu tiền trước chỉ được thực hiện khi đã có hợp đồng và đã được thẩm định. Để tự cứu mình, nhiều doanh nghiệp XKLĐ muốn làm ăn bài bản đều có kế hoạch đầu tư chuẩn bị nguồn nhân lực cho riêng mình. Ông Ngô Văn Thu cho biết, muốn “chào hàng” nguồn nhân lực đạt chuẩn và đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng nước ngoài thì doanh nghiệp phải lo đào tạo, huấn luyện trước. Trong năm 2006, trung tâm sẽ đưa vào hoạt động trường dạy nghề cho lao động xuất khẩu đầu tiên ở tỉnh Hải Dương và tiếp theo đó sẽ đầu tư xây thêm một cơ sở ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Trần Quốc Ninh, Giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động và Chuyên gia - SULECO, Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ cũng cho rằng, muốn nâng chất lượng và tăng quy mô XKLĐ thì doanh nghiệp XKLĐ phải đầu tư chuẩn bị nguồn lao động đi xuất khẩu một cách bài bản. Nếu không VN rất khó cạnh tranh với các nước có bề dày truyền thống xuất khẩu lao động trong khu vực.
KHÁNH BÌNH