Cải cách thủ tục hành chính: Bắt đầu từ thay đổi tư duy làm luật

Cải cách thủ tục hành chính: Bắt đầu từ thay đổi tư duy làm luật

Tiến sĩ Võ Kim Cương, Ủy viên Ban chấp hành Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TPHCM, nguyên Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM vừa được Văn phòng UBND TPHCM mời tham gia ý kiến về việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Xung quanh vấn đề này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Võ Kim Cương. Ông cho biết:

Mỗi thủ tục hành chính thường có hai nội dung chính. Một là điều kiện mà chủ đầu tư cần hội đủ và hai là thẩm quyền ra quyết định của cơ quan chức năng. Hai nội dung này đều do các văn bản pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng quy định. Các quy định pháp luật do quan điểm quản lý sinh ra. Ví dụ nếu quan điểm quản lý tập trung về Trung ương thì cấp thẩm quyền sẽ là bộ trưởng hay thủ tướng, nếu quan điểm là giao quyền cho địa phương thì do địa phương quyết. Quan điểm ôm trách nhiệm về Nhà nước thì việc gì cũng do cơ quan nhà nước quyết. Tư duy làm luật như thế nào, sẽ có thủ tục hành chính như thế. Muốn cải cách thủ tục hành chính, trước hết cần thay đổi tư duy làm luật. Nếu cơ quan Nhà nước muốn ôm đồm hết mọi thứ mà không dám để cho người dân tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình thì không thể cải cách thủ tục hành chính được.

* PV: Có ý kiến cho rằng, các cơ quan nhà nước phải cấp phép, phải kiểm tra kiểm soát hết mọi thứ vì… trình độ của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế?

* TS VÕ KIM CƯƠNG: Vấn đề là các cơ quan Nhà nước không ôm đồm hết được. Không phải ngẫu nhiên mà ở rất nhiều lĩnh vực, không ít cơ quan nhà nước luôn kêu thiếu người làm việc. Cơ quan nhà nước bị quá tải, người dân khi cần gì, tất yếu phải “nhờ”… Không ít công chức nhà nước cũng lợi dụng thực tế này để hành dân. Đơn cử như Nghị định 64 về cấp phép xây dựng có quy định, người dân khi xây nhà phải nộp bản vẽ thiết kế cho Phòng Quản lý đô thị quận, huyện hoặc Sở Xây dựng mới được cấp phép xây dựng. Với hàng chục ngàn ngôi nhà được xây mới mỗi năm ở TPHCM, lực lượng chuyên môn nào có thể ngồi xem hết từng ấy bản vẽ thiết kế? Tiêu cực vì thế nảy sinh. Tại sao không quy trách nhiệm về bản vẽ này cho kiến trúc sư hoặc kỹ sư xây dựng công trình đó? Họ là người được đào tạo về chuyên môn, hiểu rõ pháp luật về xây dựng… sao không thể tin tưởng?

Trong vấn đề này, Nhà nước chỉ nên thực hiện chức năng kiểm soát và xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật xây dựng. Đừng sợ trình độ của một bộ phận người dân còn hạn chế mà Nhà nước phải lo thay cho người dân. Nhà nước chỉ cần tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về pháp luật, về sự an toàn cần thiết trong xây dựng, vì lợi ích của chính mình, người dân sẽ tự biết tìm những người có chuyên môn thực hiện công việc cho mình.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục tại Sở Xây dựng TPHCM. Ảnh: CAO MINH

Hướng dẫn người dân làm thủ tục tại Sở Xây dựng TPHCM. Ảnh: CAO MINH

* Với cả “rừng” quy định về xây dựng và quản lý công trình như hiện nay nhưng tình trạng vi phạm trong xây dựng vẫn xảy ra phổ biến. Nay giảm bớt quy định, bớt thủ tục liệu có làm tình hình tốt hơn không, thưa ông?

* Tại sao không đặt câu hỏi ngược lại: Vì sao có “rừng” luật mà tình trạng vi phạm trong xây dựng vẫn xảy ra? Cải cách thủ tục hành chính không đơn giản là bỏ bớt hay thêm vào các quy định mà việc xác lập các quy định phải được cân nhắc, tính toán trên cơ sở hợp lý nhất, tốt nhất cho người dân và Nhà nước.

* Theo ông, nên cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng theo hướng nào?

* Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền. Do vậy, theo tôi nên cải cách thủ tục hành chính theo hướng mạnh dạn trao quyền cho người dân. Người dân được quyền làm những việc mà pháp luật không cấm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Thủ tục hành chính không nên quy định quá sâu vào chi tiết mà chỉ cần tạo ra những hành lang pháp luật đủ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chung cộng đồng và Nhà nước. Những vấn đề mang tính chuyên môn sâu, hãy để cho người dân tự làm và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

* Chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền đã được Nhà nước ta khẳng định từ lâu. Thế nhưng, cách xây dựng luật pháp phổ biến hiện nay là cơ quan nhà nước soạn thảo văn bản pháp luật và Quốc hội xem xét thông qua. Dẫu có Quốc hội thẩm định nhưng cách làm luật như vậy, rõ ràng cơ quan nhà nước đang có lợi thế… Chưa kể đến tình huống sau luật là Nghị định, Thông tư… do chính các cơ quan nhà nước ban hành. Không ít cơ quan nhà nước lại có tư tưởng ôm đồm nhiều thứ để mưu cầu lợi ích… Trong bối cảnh đó, đề xuất của ông liệu có khả thi?

* Thực ra, không phải cơ quan nhà nước nào khi soạn thảo các văn bản pháp luật cũng có động cơ thâu tóm quyền lợi. Đơn giản chỉ là họ có thói quen làm luật tiện và an toàn nhất cho công tác của mình. Chính vì tư duy này mà nhiều cơ quan nhà nước khi soạn thảo các văn bản pháp luật đã không dám trao quyền tự chịu trách nhiệm trước pháp luật cho người dân. Nếu còn tư duy như vậy thì việc cải cách thủ tục hành chính rất khó thành công. Phải nhắc lại ý kiến đầu tiên tôi đã nêu: Tư duy làm luật như thế nào, sẽ có thủ tục hành chính như thế.

Do vậy, nếu muốn cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn hơn, phục vụ tốt nhất người dân và giúp Nhà nước quản lý hiệu quả xã hội thì phải thay đổi tư duy làm luật. Hay nhất là có cơ quan soạn thảo luật chuyên nghiệp, trực thuộc Quốc hội, đại diện quyền lợi của tất cả các bên trong xã hội thì công tác cải cách thủ tục hành chính mới thành công được. Tuy nhiên, trước mắt, nếu chưa thể thành lập cơ quan này, Quốc hội nên có một bộ phận chuyên nghiệp thẩm định các dự thảo luật do các bộ, ngành chuyên môn trình.

NGUYỄN KHOA thực hiện

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư TPHCM: Phải thay đổi cách quản lý ở tầm vĩ mô

Có thể nói Việt Nam là một trong những nước có rất nhiều các quy định liên quan đến quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản. Thế nhưng, mức độ thất thoát, tiêu cực trong ngành này cũng đứng ở… vị trí cao. Tại sao vậy? Tôi cho rằng có nguyên nhân rất lớn từ cách quản lý hiện nay. Chúng ta vẫn quản lý theo kiểu bao cấp, cái gì cũng kiểm tra, kiểm soát mà không dám để cho thị trường tự chọn lọc và để cho người dân tự chịu trách nhiệm. Hãy nghĩ xem, nếu anh xây nhà của chính anh thì Phòng Quản lý đô thị quận, huyện sẽ quản lý chất lượng ngôi nhà của anh tốt hơn hay chính anh quản lý tốt hơn? Có thể anh không có chuyên môn về xây dựng nhưng vì lợi ích của chính mình, anh sẽ tìm thuê được những người có chuyên môn. Tại sao cơ quan Nhà nước lại phải lo việc này cho anh? Đó là chưa kể đến một bất cập khác: Chủ đầu tư đã thuê các kỹ sư, kiến trúc sư có kinh nghiệm, được cấp thẻ hành nghề thiết kế công trình...

Thế nhưng sau đó, theo quy định hiện hành, bản thiết kế lại phải trình lên Phòng Quản lý đô thị các quận, huyện hoặc Sở Xây dựng thẩm định. Nhiều cán bộ công tác tại các phòng - ban này, theo tôi được biết, tuổi nghề còn rất thấp, thậm chí chưa đủ điều kiện để được cấp thẻ hành nghề… Liệu họ có đủ trình độ để thẩm định bản thiết kế được thiết kế bởi những người đã có kinh nghiệm? Thực ra, trước khi ban hành quy định này, Bộ Xây dựng có lấy ý kiến góp ý của Hội Kiến trúc sư và chúng tôi cũng đã có ý kiến góp ý. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, quy định này vẫn được ban hành.

Đó chỉ là một trong những ví dụ điển hình về cách ban hành các quy định trong xây dựng hiện nay. Chính vì vậy, theo tôi, muốn cải cách hành chính phải thay đổi cách quản lý, tư duy ngay ở tầm vĩ mô, ở ngay những người có trách nhiệm ban hành các quy định.

Kỹ sư Nguyễn Văn Đực Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất Động sản TPHCM: Cần cắt giảm ít nhất 50% thủ tục hành chính

Chất lượng công trình xây dựng phụ thuộc vào năng lực chủ đầu tư chứ không phải do thủ tục nhiều hay ít. Hiện nay nhiều bộ ngành có xu hướng thấy thực tế phát sinh vấn đề gì là ban hành ngay thủ tục hành chính “con” để ngăn chặn không cho lây lan. Điều này tốt khi vấn đề phát sinh mang tính phổ quát, ngược lại nếu vấn đề chỉ là sự cố nhỏ thì việc đặt thêm thủ tục hành chính, chỉ làm khó doanh nghiệp. Đơn cử như: Lo sợ chủ đầu tư bỏ chạy, không giao nhà cho khách hàng, Bộ Xây dựng đề nghị phải mua bảo hiểm việc mua nhà. Cách này chỉ làm tăng giá thành nhà và cũng khó thực hiện vì với tình hình bất động sản như hiện nay, liệu đơn vị bảo hiểm nào dám bảo hiểm việc mua nhà?

Tôi cho rằng cần cắt giảm ít nhất 50% lượng thủ tục hành chính như hiện nay vì càng nhiều thủ tục, càng kéo dài thời gian đầu tư. Việc này chỉ làm tăng chi phí đầu tư, tăng tiêu cực, nhũng nhiễu. Nhà nước đòi hỏi chủ đầu tư phải giảm giá bán nhà, đất thì chủ đầu tư đề nghị Nhà nước phải giảm các thủ tục đầu tư để hạ giá thành.

AN NHIÊN (ghi)

Tin cùng chuyên mục