Ngày 26-9, tại TPHCM diễn ra hội thảo đánh giá kết quả thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ - công chức (CBCC) từ năm 2003 đến nay và định hướng cải cách cho giai đoạn 2012-2020 do Bộ Nội vụ tổ chức.
Lương thấp, lại cào bằng
TS Nguyễn Thiềng Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính TPHCM nhận định, mức lương tối thiểu hiện nay quá thấp, chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của CBCC, chưa khuyến khích tính tích cực, tinh thần trách nhiệm của họ. Lương một CBCC bậc đại học mới ra trường chưa đến 2 triệu đồng/tháng, một số giáo viên mới ra trường chỉ nhận được mức lương 1,36 triệu đồng/tháng. Hay trưởng khoa một trường đại học có học vị tiến sĩ, thâm niên công tác 20 năm cũng chỉ nhận được mức lương 6 triệu đồng/tháng là quá thấp. Hiện tượng dễ thấy là CBCC có nghiệp vụ chuyên môn nhảy sang các doanh nghiệp ngoài nhà nước làm việc để có mức thu nhập cao hơn ngày càng nhiều.
Ông Trần Oanh Liệt, Giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ cho rằng, chính sách tiền lương hiện còn nhiều bất cập. Những người hưởng lương nhà nước chưa đủ sống, khiến các cơ quan không thu hút được người có năng lực, nhân tài. Đã vậy, mức lương cào bằng hiện chưa tạo động lực cho CBCC phấn đấu. Ông Diệp Văn Sơn, nguyên trưởng cơ quan đại diện Bộ Nội vụ ở phía Nam, đề xuất: Lương cần có 2 phần, trong đó phần cứng phản ánh trình độ, năng lực và phần mềm bổ sung vào các biến động trượt giá, phụ cấp”. Đa số ý kiến tại hội thảo cho rằng, người làm công ăn lương sống rất chật vật bởi đồng lương chưa tương xứng với tính chất công việc mà họ đảm trách. Chính vì vậy, cần phải có giải pháp đột phá về tiền lương, chỉ khi nào CBCC sống được bằng tiền lương, lúc đó họ mới có nhiều sáng kiến trong công việc và hạn chế tiêu cực.
Quẩn quanh giải pháp
* Theo Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ), từ năm 2003 đến nay, mức lương tối thiểu đã được điều chỉnh 7 lần, từ 210.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng, tức là tăng thêm 295,2%. Thế nhưng, mức lương tối thiểu 830.000 đồng/tháng áp dụng đối với CBCC hiện nay chỉ bằng 59,3% lương trung bình của doanh nghiệp vùng IV - vùng thấp nhất và bằng 41,5% vùng I - vùng cao nhất. |
Ông Đoàn Cường, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) đề ra 3 phương án cải cách. Phương án 1 là quy định mức lương tối thiểu áp dụng đối với CBCC trên cơ sở bảo đảm nhu cầu tối thiểu ở vùng có thị trường lao động phát triển nhất, có lương tối thiểu cao nhất trong khu vực doanh nghiệp. Ưu điểm của phương pháp này là CBCC sống được bằng lương, tận tâm gắn bó với công việc.
Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là lương CBCC các vùng nông thôn sẽ cao hơn nhiều so với lao động khác trên cùng địa bàn, đặc biệt mức thu nhập của người dân ở những vùng khó khăn. Phương án 2, mức lương tối thiểu CBCC sẽ bằng mức bình quân của lương tối thiểu vùng, đồng thời áp dụng hệ số tăng thêm đối với CBCC ở những vùng có thị trường lao động phát triển.
Ưu điểm của phương pháp này là tiền lương CBCC được đảm bảo bằng mức trung bình khá của lao động trên địa bàn. Nhược điểm là phải quy định hệ số tăng thêm đối với những vùng mà thị trường lao động phát triển, ảnh hưởng đến việc thu hút CBCC đến vùng khó khăn. Phương án 3 là lương tối thiểu CBCC được áp dụng trên cơ sở mức thu nhập và mức chi tiêu bình quân đầu người cả nước. Ưu điểm phương pháp này là lương công chức độc lập lương doanh nghiệp; bảo đảm công chức có mức lương đủ sống. Tuy nhiên, phương án này phải quyết liệt và bảo đảm nguồn thu mới thực hiện được.
Các đại biểu cho rằng, cần thiết phải có cuộc “cách mạng” tiền lương CBCC hiện nay. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, sắp tới sẽ cải cách cơ bản tiền lương theo hướng CBCC có thể sống được bằng lương. Tuy nhiên, quỹ lương công chức, viên chức hiện nay đã chiếm khoảng 40% tổng thu của ngân sách Nhà nước, nên nếu tăng lương khu vực này 2,5 lần, gần như toàn bộ ngân sách chỉ để trả tiền lương.
Hồ Thu