Cải cách vì Olympic?

Với việc Thế vận hội Olympic sẽ diễn ra năm 2020, Chính phủ Nhật đang áp dụng nhiều cách để nâng cao khả năng tiếng Anh trong giới học sinh, sinh viên. Một trong số thay đổi là học sinh bắt đầu được làm quen với môn ngoại ngữ từ lớp 3 ở bậc tiểu học và bắt buộc học từ lớp 5.

Các chuyên gia giáo dục Nhật Bản cũng kiến nghị tăng giờ học tiếng Anh ở các cấp học, tăng lên 2 lần một tuần đối với học sinh lớp 3, 3 lần một tuần đối với học sinh lớp 5, lớp 6. Trước những ý kiến lo ngại của một số người Nhật Bản cho rằng việc cho các em học tiếng Anh sớm hơn có thể khiến các em không còn nhiều thời gian, công sức vào việc học tiếng mẹ đẻ, giáo sư ngôn ngữ Yukio Otsu cho rằng: Học sinh tiểu học nên nhận được sự giáo dục đúng đắn về tiếng mẹ đẻ nhưng cũng cần khuyến khích các em học và có vốn hiểu biết tốt về tiếng Anh. Sự thay đổi trong cách thức học tiếng Anh cũng phải dẫn tới thay đổi trong phương pháp dạy cũng như nâng cao năng lực giáo viên tiếng Anh. Theo tờ The Japan Times, việc điều chỉnh học tiếng Anh bắt buộc từ lớp 4 xuống lớp 3 đồng nghĩa với việc phải gia tăng đáng kể số lượng cũng như chất lượng của đội ngũ giáo viên tiếng Anh đang giảng dạy tại 22.000 ngôi trường tiểu học tại Nhật Bản.

Việc cải cách dạy, học tiếng Anh cũng nằm trong chiến lược quốc tế hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của giáo dục Nhật Bản trên trường quốc tế. Bên cạnh việc điều chỉnh cấp học bắt buộc học tiếng Anh, Chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét việc nâng số lượng trường đủ chuẩn cung cấp chứng chỉ tú tài quốc tế International Baccalaureate (IB) tại Nhật Bản lên con số 200 trường trong khoảng thời gian 5 năm tới. Để cải cách việc dạy và học ngoại ngữ một cách triệt để, Bộ Khoa học và Giáo dục Nhật Bản thông báo sẽ áp dụng kỳ thi quốc gia mới cho học sinh năm thứ ba bậc trung học cơ sở. Theo đó, từ năm 2019, học sinh sẽ trải qua bài kiểm tra cả 4 trình độ đọc, nghe, nói, viết dựa theo tiêu chuẩn quốc tế. Các tỉnh cũng phải đặt ra mục tiêu cụ thể về việc cải thiện trình độ tiếng Anh và công khai kết quả đạt được. Theo kế hoạch sẽ được triển khai cho đến năm 2024 thì đa phần học sinh trung học cơ sở phải đạt trình độ tiếng Anh từ A1 trở lên theo tiêu chuẩn CERF (khung trình độ châu Âu).

Bên cạnh việc cải cách chương trình dạy và học ngoại ngữ, Bộ Khoa học và Giáo dục Nhật Bản còn quyết định sẽ tăng cường “giáo dục Paralympic” tại các trường tiểu học và trung học cơ sở trên toàn quốc. Bộ Khoa học và Giáo dục Nhật Bản cho biết mục đích của hoạt động này là nhằm giúp các học sinh hiểu biết hơn về người khuyết tật, cũng như có những chia sẻ và quan tâm đối với những đối tượng này. Việc giáo dục về Paralympic sẽ được tiến hành trên các lĩnh vực về ngôn ngữ, thể chất, ký hiệu… Nội dung là truyền tải cho học sinh thiếu nhi về ý nghĩa của đại hội thể thao, hiện trạng thể thao của những người khuyết tật trên thế giới và những nỗ lực vượt qua khuyết tật để tham gia cạnh tranh trong đại hội thể thao cho người khuyết tật. Theo dự kiến, việc triển khai nội dung giảng dạy về Paralympic sẽ được tiến hành vào năm 2018.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục