Sự thật đã phơi bày: U23 Việt Nam trắng tay chứ không phải là chiếc HCV như mong ước, thậm chí là vớt vát danh dự bằng một chiếc HCĐ. Có nhiều cách lý giải cho thất bại của U23 Việt Nam tại SEA Games 24, nhưng thực tế của 5 trận đấu tại Korat, thất bại của U23 Việt Nam là một cái chết được báo trước.
...“lần chẳng ra”

Trước ngày lên đường sang Thái, HLV Riedl tự tin tuyên bố, ông có trong tay những quân bài hay nhất trong lứa tuổi U23 Việt Nam của bóng đá Việt Nam lúc này. Song, tuyên bố của ông Riedl lập tức bị phủ nhận là sai lầm, bởi càng đá U23 Việt Nam càng bộc lộ những tử huyệt mà nếu có “quân xịn”, chắc ông Riedl và HLV Mai Đức Chung đã không phải ôm đầu bất lực.
Trong 20 quân bài được Riedl lựa chọn đến Thái, gần 2/3 chính là tuyển thủ quốc gia. Chỉ có sự vắng mặt của Văn Biển là khiến Riedl hụt hẫng, tiếc nuối. Danh xưng hào nhoáng bởi thành phần chủ yếu là những tuyển thủ quốc gia khiến U23 Việt Nam bị huyễn hoặc về khả năng.
Trong khi thực tế, có nhiều quân bài cần thiết lại không được đả động. Càng chơi bất lực ở SEA Games 24, U23 Việt Nam càng nhớ đến Quang Hải - tiền đạo bị bỏ rơi vào giờ chót; hay Văn Vinh, Phước Tứ, Thành Lương, Thanh Phúc… những cầu thủ không được chấm, dù so với nhiều cầu thủ U23 Việt Nam thì trình độ của họ cũng là một chín, một mười.
Ông Riedl khi chọn người mang đến Thái Lan đã áp dụng công thức cũ rích: mang theo 3 thủ môn, trong khi ông đã xác định sẵn rằng, Tấn Trường chỉ có cơ hội nếu Đức Cường, Vĩnh Lợi bị… tai nạn. Nghịch lý là ông thầy người Áo đã quyết định mang đến 3 thủ môn là để an toàn. Đó rõ ràng là sự hoang phí, vì nếu đi tới trận chung kết, U23 Việt Nam mới đá 5 trận, khả năng rủi ro xảy ra với 2 thủ môn số 1 và số 2 là thấp. Chẳng thế mà, ngoài U23 Việt Nam, 3 đội bóng có mặt ở bán kết chỉ đăng ký 2 thủ môn, nhường ưu tiên cho hàng tấn công.
Sự xuất hiện của những cầu thủ “dự bị của… dự bị” như Tấn Trường, Đại Đồng đã chiếm mất cơ hội cho những nhân tố cần thiết là Quang Hải, Phước Tứ hay Văn Vinh. Có ai ngờ, ông Riedl mang đến Thái 3 trung vệ, nhưng rốt cục lại phải dùng giải pháp trung vệ dự phòng là Việt Cường. Trường hợp đó cũng xảy ra với tuyến giữa, với 3 cầu thủ thiên về phòng ngự, còn tiền vệ mang hơi hướm tấn công nhất là Minh Chuyên lại chấn thương.
Nói chung, sai lầm của Riedl và sự lép vế quá mức của các trợ lý người Việt khi nêu chính kiến đã khiến U23 Việt Nam rơi vào tình thế “lần chẳng ra” dù vẫn đăng ký cho đủ 20 cầu thủ.
Hổ giấy, gan thỏ
Sau thất bại, cả VFF lẫn HLV Riedl đều đồng thuận quan điểm: U23 Việt Nam thất bại do không có sức hoặc sai lầm chiến thuật. Tuy nhiên, tâm thế của đội bóng áo đỏ thật ra giống như một chú hổ giấy nhưng lại mang lá gan thỏ. Đó là điều kỳ lạ, bởi lâu nay, chúng ta luôn tự huyễn hoặc rằng, tuyển Việt Nam luôn là đội bóng có sức mạnh tinh thần vượt trội.
Sự sợ hãi trong cách chơi của U23 Việt Nam trước tiên xuất phát từ việc sợ bại lộ những nỗ lực “giấu dốt” trước đó. Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thắc mắc rằng, sau trận thắng nhọc nhằn trước Malaysia, các cầu thủ U23 Việt Nam hứa rằng sẽ chơi khởi sắc trong những trận còn lại. Nhưng càng đá lại càng tệ, và ông Hỷ không thể lý giải vì sao ngoài việc nhận xét U23 Việt Nam giống như người bị bệnh thần kinh phân liệt.
Sau lễ bốc thăm, ông Riedl tỵ nạnh với người Thái rằng, họ chỉ phải đụng Myanmar chứ không phải một Malaysia xương xẩu. Bởi suốt 10 năm vừa qua, Myanmar chẳng hề có thành tích quốc tế nào. Vậy mà chính đối thủ mà ông Riedl muốn gặp ở vòng bảng hơn là Malaysia lại quật ngã U23 Việt Nam ở bán kết, khiến nhà cầm quân người Áo bay khỏi ghế HLV trưởng.
Lại nữa, sau trận thắng Lào, ông Riedl thú nhận đã suýt bị đau tim và có thể 2-3 năm nữa, Lào chẳng sợ gì Việt Nam. Hóa ra tâm thế của U23 Việt Nam tại SEA Games 24 là một sự thấp thỏm, lo sợ những điểm yếu bị phơi bày chứ không còn là sự tự tin, quyết tâm đánh bại đối thủ. Điều đó một phần là do U23 Việt Nam chẳng biết mình đang đứng ở đâu khi bước vào trận chiến tại SEA Games 24.
Năm trận đấu và hàng tá những sai lầm, U23 Việt Nam không thất bại, không trắng tay mới là ngạc nhiên!
GIA MINH
5 trận đấu- 1 gương mặt Việt Nam - Malaysia 3-1 Trận khởi đầu của đội tuyển U-23 chứa đựng nhiều cảm xúc: 2 bàn thắng đẹp của cá nhân Công Vinh, một pha phản công như đá tập và hàng loạt sai lầm cá nhân trong hàng phòng ngự. Việt Nam đã tỏ ra bế tắc trong hiệp một và nhờ sự tỏa sáng của Công Vinh mới có một hiệp 2 chủ động hơn nhưng dưới con mắt của các chuyên gia thì chiến thắng đầu tay không che khuất được những khiếm khuyết lồ lộ ở giữa 2 trung vệ và hệ thống phòng ngự từ xa. Đây là một trận đấu mà hàng tiền vệ không đưa ra được bất cứ đường chuyền nào có :nét”. Việt Nam - Singapore 2-3 Một trận thua tối tăm mặt mũi vì rõ ràng, Singapore đánh bại Việt Nam quá sức đơn giản chỉ bằng các quả chuyền dài và những sai lầm nối tiếp nhau trong hàng phòng ngự. Cụm từ “lo sợ” xuất hiện trong nhận định của ông Riedl về tâm lý của các cầu thủ Việt Nam. Việt Nam - Lào 2-1 May mắn đã nằm về phía Việt Nam khi giành thắng lợi mong manh và có được ngôi đầu bảng để tránh Thái Lan ở bán kết. Tuy nhiên, những lo ngại đã thật sự hiện hữu đối với bất cứ ai theo dõi bước đường của đội tuyển Việt Nam cho dù đây là trận đấu mà ông Riedl đã có khá nhiều thay đổi về nhân sự. Suốt hiệp 2, đội tuyển U-23 chỉ làm mỗi một việc là chống đỡ những lần tấn công của đội tuyển U-23 Lào, một đối thủ vốn chỉ là “túi đựng bóng” mỗi khi gặp Việt Nam. Bán kết: Việt Nam - Myanmar 0-0 Những điều xấu nhất đã đến. Đội tuyển U-23 tiếp tục trình diễn một lối chơi vô hồn và suýt thua trên chấm phạt đền trong 90 phút chính thức. Trải qua 120 phút mệt mỏi, cuối cùng thì thần may mắn vẫn không thể tiếp tục đừng về phía đội tuyển U23. Kể từ năm 2001, Việt Nam đã không thể vào bán kết một kỳ SEA Games. HLV Riedl từ chức một ngày sau đó, ông Mai Đức Chung lên tạm quyền và tuyên bố ngay cả chiếc HCĐ cũng là một nhiệm vụ “bất khả thi”. Đây đúng là một “phát súng ân huệ”. Chẳng có nhiều điều để nói về trận đấu này ngoài một từ: Hổ thẹn. T.O (tổng hợp) |
