Cái đích vẫn là tác phẩm

Đối với người sáng tạo văn học nghệ thuật, điều còn lại không phải là danh hiệu chức tước, mà cái đích cống hiến cuối cùng cho xã hội vẫn là những tác phẩm có giá trị bền lâu.

Những ngày cuối năm 2014, giới văn học nghệ thuật (VHNT) cả nước “nóng” lên với những đại hội liên tiếp của các hội chuyên ngành, còn dự kiến kéo dài sang tận tháng 7-2015 khi Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX kết thúc. Càng “nóng” hơn nữa với câu chuyện họa sĩ Thành Chương và nhà điêu khắc Đào Châu Hải tuyên bố rút khỏi Ban Chấp hành (BCH) Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa VIII ngay sau khi mới được đại hội hội này bầu xong. Đây là điều chưa có tiền lệ trong đời sống VHNT nước ta. Đằng sau quyết định bất ngờ của hai gương mặt nổi tiếng làng mỹ thuật đã có nhiều cách nhìn nhận khác nhau từ những người trong giới lẫn dư luận. Thậm chí có ý kiến cho rằng do họa sĩ Thành Chương không được bầu làm chủ tịch hội, nhưng ông đã lên tiếng bác bỏ điều đó.

Xin nhắc lại việc họa sĩ Thành Chương đưa ra hai lý do cơ bản cho việc rút lui của mình. Thứ nhất, theo quy định, người đứng đầu các hội VHNT không được làm chủ tịch hội quá hai nhiệm kỳ liên tiếp và tuổi đời không quá 65, mà có người đã 72 tuổi lại làm chủ tịch hội tới nhiệm kỳ thứ tư. Thứ hai, thành phần BCH hội khóa mới toàn người cũ lại lớn tuổi, khó kỳ vọng đổi mới, trong khi suốt nhiệm kỳ qua hoạt động của hội chỉ mang tính phong trào mà chưa chuyên sâu để tạo động lực cho sự sáng tạo những tác phẩm đỉnh cao.

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải cũng đồng tình trước lý lẽ của họa sĩ Thành Chương. Và liệu hành động rút lui của hai nghệ sĩ nổi tiếng này có phải trường hợp “độc nhất vô nhị” hay sẽ còn xảy ra với các hội VHNT khác?

Ai cũng biết các hội chuyên ngành là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong việc tập hợp đoàn kết đội ngũ, thúc đẩy sáng tác VHNT nước ta. Việc quy định giới hạn chủ tịch hội không làm quá hai nhiệm kỳ và tuổi đời không hơn 65 là rất hợp lý. Bởi các hội VHNT cần hội tụ sự năng động của sức trẻ, bám sát đời sống xã hội, giàu ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, không hiểu vì sao nhiều hội từ địa phương đến trung ương cứ chọn những người đã về hưu, thậm chí trên 70 tuổi ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo đứng đầu trong nhiều nhiệm kỳ. Đáng nói hơn, có người tuổi cao, lại chẳng có uy tín về chuyên môn nghề nghiệp, nói hay hơn làm. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều hội viên cảm thấy bị xem thường về vai trò của hội, gây mất đoàn kết, không tập hợp được lực lượng, và điều quan trọng là không mang lại động lực, cảm hứng sáng tạo cho hội viên. Trong khi đó, vẫn có nhiều hội viên trẻ tài năng, nhiệt huyết, có trình độ văn hóa, có tư cách đạo đức tốt, nếu biết cách động viên và tin tưởng họ thì nhất định họ sẽ có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của hội cũng như đời sống sáng tạo VHNT.

Ở TPHCM, trường hợp nhà văn Nguyễn Quang Sáng, sau khi ông qua đời cách đây tròn một năm, mọi người nhắc đến ông qua những tác phẩm có giá trị như Đất lửa, Chiếc lược ngà, Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng… chứ ít ai nói tới ông với vai trò từng là Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà văn TPHCM nhiều nhiệm kỳ. Cho dù với những trọng trách ấy, nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng có nhiều đóng góp cho việc tập hợp, đoàn kết đội ngũ nhà văn TPHCM. Có lẽ nhìn thấy tấm gương đàn anh Nguyễn Quang Sáng, nên người kế tục ông làm Tổng thư ký, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM là nhà văn Lê Văn Thảo, sau đúng hai nhiệm kỳ đã dứt khoát rút lui cho dù ông vẫn còn được tín nhiệm. Nhờ vậy, tác giả của Ông cá hô đã có thời gian cuối đời dành cho sáng tác, và trong gần 5 năm qua đã xuất bản được thêm tập truyện ngắn và tiểu thuyết Những năm tháng nhọc nhằn được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận.

Câu chuyện của họa sĩ Thành Chương và nhà điêu khắc Đào Châu Hải cũng làm tôi nhớ tới một bậc tiền bối lừng danh mỹ thuật là nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, tác giả những bức tượng sống động về lãnh tụ Hồ Chí Minh và những anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp cứu nước. Đương thời, dù là trụ cột lãnh đạo Hội Mỹ thuật TPHCM và Việt Nam, nhưng trong những câu chuyện ông luôn nói rằng điều quan trọng của văn nghệ sĩ là tác phẩm chứ không phải chức tước. Những ai mê quyền lực hư danh mà quên sự sáng tạo tác phẩm thì khi về già hối hận sẽ không kịp. Ông hay nhắc tới trường hợp nhà thơ Lưu Trọng Lư nổi tiếng từ thời Thơ Mới, sau này chuyển sang hoạt động sân khấu và làm Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nhưng mọi người chỉ nhớ đến tác giả của bài thơ Tiếng thu trứ danh với hình ảnh “con nai vàng ngơ ngác”.

Vâng, đối với người sáng tạo VHNT, điều còn lại không phải là danh hiệu chức tước, mà cái đích cống hiến cuối cùng cho xã hội vẫn là những tác phẩm có giá trị bền lâu. Tâm sự của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu dường như ai cũng biết, nhưng để tránh được sự mê hoặc của quyền chức thì chẳng dễ dàng. Cũng qua đó mới thấy sự rút lui đúng lúc của nhà văn Lê Văn Thảo vừa quý, vừa hiếm.

TƯỜNG ĐẶNG

Tin cùng chuyên mục