Cái đội đầu

Dù biết rằng phụ nữ là hoàn toàn bình đẳng với nam giới trong xã hội nhưng “cái đội đầu” lại không như vậy. Trước Cách mạng tháng 8-1945 không có danh từ “mũ” dành cho đàn bà. Dù cao sang quyền quý như bà phó Đoan có quyền bảo lãnh cho Xuân tóc đỏ nhìn trộm cô đầm thay áo hay “Cô Kếu gái tân thời” mua lũ lượt son phấn về trang điểm thì cũng không bao giờ có chiếc mũ nào dành cho họ. Họ vấn tóc, đội khăn trong nhà. Đội nón lá khi ra ngoài đường. Viết đến đây cũng lại chợt nghĩ đến người miền Nam không có từ “mũ”. Bình đẳng nam nữ có lẽ là cuộc cách mạng thành công đầu tiên ở miền Nam Việt Nam trong cách gọi cái đội trên đầu. Đều là nón cả có lẽ bớt đi rất nhiều chuyện.

Dù biết rằng phụ nữ là hoàn toàn bình đẳng với nam giới trong xã hội nhưng “cái đội đầu” lại không như vậy. Trước Cách mạng tháng 8-1945 không có danh từ “mũ” dành cho đàn bà. Dù cao sang quyền quý như bà phó Đoan có quyền bảo lãnh cho Xuân tóc đỏ nhìn trộm cô đầm thay áo hay “Cô Kếu gái tân thời” mua lũ lượt son phấn về trang điểm thì cũng không bao giờ có chiếc mũ nào dành cho họ. Họ vấn tóc, đội khăn trong nhà. Đội nón lá khi ra ngoài đường. Viết đến đây cũng lại chợt nghĩ đến người miền Nam không có từ “mũ”. Bình đẳng nam nữ có lẽ là cuộc cách mạng thành công đầu tiên ở miền Nam Việt Nam trong cách gọi cái đội trên đầu. Đều là nón cả có lẽ bớt đi rất nhiều chuyện.

Rất buồn cười là trước năm 1975 cả miền Bắc gần như không có phụ nữ nào đội mũ để làm đẹp. Lúc ấy đàn bà chỉ có hai thứ mũ để đội. Mũ cối của tự vệ sao vuông Hà Nội và mũ công nhân vải xanh chéo sĩ lâm lưỡi trai nhựa đen. Mũ công nhân nữ có chỏm rộng đủ để đựng cả mớ tóc dài búi gọn. Cả hai thứ ấy đều được nhà nước phát. Hiếm hoi lắm mới có một người đủ can đảm đội chiếc mũ len đan tay ra đường. Cũng chỉ ở thành phố mới có. Những mũ khác vẫn bị coi là thành phần ăn chơi lẳng lơ đáng ngại và cũng có chút thần kinh lãng đãng mây trời. Đàn bà lúc ấy đội mũ ra đường không ai khen đẹp mà người ta chỉ hỏi nhỏ vào tai nhau rằng “Chị ấy có làm sao không?”. Thật may, các nữ chiến sĩ giải phóng quân và thanh niên xung phong lúc ấy được phát những bộ quân phục Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Chiếc mũ vải tai bèo màu xanh bộ đội là điểm nhấn khác biệt của bộ quân phục ấy. Nụ cười sáng rực của chị Nguyễn Thị Định, chị Kan Lịch dưới vành mũ tai bèo đã chứng minh được trọn vẹn niềm kiêu hãnh và vẻ đẹp của đàn bà đội mũ.

Ngoại trừ quan lại chức sắc triều đình có mũ áo vua ban theo phẩm trật, đàn ông xứ Bắc xưa có hai thứ để đội trên đầu. Một thứ cố định là chiếc khăn vấn. Sau đó là nón mê cho những người làm ruộng. Đám học hành khoa cử có khăn xếp áo the và chiếc ô lục soạn như trang phục của hào lý lúc bấy giờ. Thứ trang phục đã từng mon men xếp hàng vào cuộc thi tìm quốc phục. Nhưng độ mềm mại nhu nhược đến mức ẻo lả của nó khó lòng vượt qua vòng “gửi xe”. Đàn ông Việt bây giờ khác xa rồi. Họ chỉ mặc những thứ ấy khi “bà Tưng” có yêu cầu.

Mũ của đàn ông phong phú lên rất nhiều từ thời Pháp thuộc ở các thành phố lớn. Đi cùng với trang phục tây bao giờ cũng có những chiếc mũ cát (casque) bằng gỗ dút (hoặc liège) lợp vải trắng. Nhẹ và rộng vành che nắng rất tốt. Nhưng phải hạn chế giặt. Trót lấm bẩn chỉ dùng phấn trắng xóa đi. Các công tử nhà giàu hoặc viên chức tay chơi có chiếc mũ phớt dạ nhập ngoại. Người Việt có khả năng chế tạo ra mọi loại mũ, chỉ trừ mũ phớt dạ vẫn phải nhập cho đến tận bây giờ. Mũ phớt có ý nghĩa là thời trang nhiều hơn công dụng của nó. Nhạc sĩ Nguyễn Cường, một cao bồi Hàng Bạc - Hà Nội vẫn đội mũ phớt da thổ dân lên sân khấu vào các tối biểu diễn hẳn là không phải để che nắng. Nghệ sĩ performance Đào Anh Khánh đội chiếc mũ phớt thổ dân hàng xịn mang từ Mỹ về. Nhưng cái làm anh giống với một thổ dân chưa bao giờ là chiếc mũ ấy. Họa sĩ Nguyễn Sáng suốt đời gắn bó với chiếc mũ vải lưỡi trai màu cỏ úa chỉ trừ lúc đi ngủ. Ông không tự tin lắm với vầng trán cao đầy ưu tư của mình? Trái ngược hẳn với một nhà phê bình mỹ thuật lớp đàn em luôn bắt thợ cắt tóc cạo lẹm sâu vào chân tóc trước trán và không bao giờ đội mũ.

Sau giải phóng Sài Gòn mọi người đều đội mũ. Đàn bà e ấp dưới vành mũ nan, mũ cói theo phim Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Trở lại Eden. Cái nón lá cọ dần biến mất ở thành phố. Đàn ông mũ nồi (beret), mũ lưỡi trai dài, mũ cát-két (casquettes), mũ phớt, mũ lá, mũ nan, mũ cối theo những trào lưu nở rộ từng thời kỳ.

Các hãng sản xuất mũ trong nước và những nhà nhập khẩu phát tài trong suốt 26 năm liền. Cho đến khi công văn 407/CP-CN của Chính phủ ra đời ngày 15-5-2001. Mọi người đi xe máy trên đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Các hãng mũ thời trang đóng cửa hàng loạt nhường chỗ cho thị trường mũ bảo hiểm. Vài người nhiêu khê trang phục còn cố gắng đem theo trên xe máy chiếc mũ vải mềm để đội mỗi lúc xuống xe. Được ít lâu cũng phát chán. Giờ thì mũ bảo hiểm thống trị khắp phố phường. Đơn giản vì xe máy là phương tiện chiếm số đông ở thành phố. Vài người không đội mũ bảo hiểm có thể bị truy đuổi như tội phạm. Nhưng lũ ăn cắp luôn đội mũ bảo hiểm trước khi lấy trộm xe máy. Xem video an ninh ở các cửa hàng, công sở thì thấy.

Tương lai của nghề mũ không hoàn toàn đen tối. Đến một lúc nào đó ô tô thay thế toàn bộ xe máy thì nghề sản xuất mũ sẽ lại phục hưng. Chỉ có điều không ai tưởng tượng ra nổi thứ đội trên đầu lúc ấy sẽ có hình ảnh như thế nào.

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục