Cái giá của chi tiêu quân sự

Tuần trước, bà Angela Kane - đại diện cấp cao của LHQ về giải trừ quân bị kêu gọi các nước đánh giá lại nhu cầu quốc phòng, tránh phải trả giá cho việc vung tay chi tiêu cho quân sự mà quên đi phát triển kinh tế - xã hội.

Lời cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia liên tiếp có những tuyên bố về sức mạnh vũ trang khiến cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại. Cho đến nay, vụ phóng vệ tinh quan sát Trái đất Kwangmyongsong-3 của Triều Tiên lên quỹ đạo tuy thất bại nhưng dấu hỏi về thực lực của quốc gia này vẫn còn đó. Triều Tiên mới đây khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực chinh phục không gian, như lời khẳng định sẽ tiếp tục dồn nguồn tài chính để phát triển ngành quốc phòng.

Trong thời gian gần đây, một số quốc gia tuyên bố xây dựng hệ thống phòng thủ đánh chặn tên lửa với lá chắn bảo vệ các đồng minh, chế tạo được tên lửa tầm xa, máy bay tàng hình, tàu sân bay… như khẳng định sức mạnh của mình, khiến cuộc chạy đua vũ trang càng thêm quyết liệt. Đối với các cường quốc quân sự, những tuyên bố đó đang thách thức vị trí cường quốc của mình. Đối với các nước còn lại, nó có thể được xem như mối đe dọa.

Thế là nước nào cũng tham gia chạy đua vũ trang. Thật không dễ để một nước chịu lùi bước trong cuộc chạy đua quốc phòng trong khi vẫn còn nhiều tiêu chuẩn về phúc lợi, an sinh xã hội chưa đạt được. Chưa kể những nguy cơ làm mất ổn định lại bị thổi phồng bởi âm mưu của những thế lực nào đó.

Trên phương diện khác, chất xúc tác khiến hoạt động đầu tư, mua bán vũ khí ngày càng rầm rộ chính là sự vận động tích cực từ những tập đoàn sản xuất vũ khí. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển), trong năm 2010, doanh thu từ bán vũ khí và các dịch vụ quân sự toàn cầu của 100 nhà thầu quốc phòng lớn nhất thế giới là 411,1 tỷ USD. Trong đó, 10 công ty (có 7 công ty Mỹ) dẫn đầu thu về tổng cộng 230 tỷ USD.

Tổng chi phí quân sự toàn cầu năm 2011 là 1.740 tỷ USD. Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ cần chưa đến 5% của số tiền này cũng đã đủ để tài trợ cho các nước nghèo hơn đạt được các mục tiêu chính của 8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là phát triển xã hội và xóa đói nghèo. Từ năm 2007 đến 2011, lượng vũ khí châu Á và châu Đại Dương nhập khẩu tăng mạnh nhất: 44%, trong khi châu Âu là 19%, Trung Đông 17%, Bắc và Nam Mỹ 11% và châu Phi 9%.

Một số nước châu Phi cực nghèo như Eritrea chi cho quốc phòng hơn 20% GDP, trong khi tổng GDP chỉ có 4 tỷ USD và bình quân đầu người 735 USD/người/năm, Jordan và Saudi Arabia là những nước tương đối ổn định nhưng cũng chi từ 6% - 11% GDP cho quốc phòng, trong đó phần lớn mua sắm vũ khí (chủ yếu là từ Mỹ).

Tập trung chạy đua vũ trang cho mục đích phòng thủ, tăng sức mạnh là cần thiết nhưng cần cân bằng nguồn tài chính để đầu tư đối phó với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, thảm họa tự nhiên và nhân tạo, cũng như các dịch bệnh toàn cầu. Song song đó là dành nguồn vốn lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu về y tế và giáo dục, xóa đói nghèo và thất học.

Chỉ quốc phòng thì không thể giúp một quốc gia vững mạnh, phát triển cân bằng. Không ai khác, chính những tập đoàn sản xuất vũ khí và những chính trị gia thân thiết là đối tượng trục lợi trong cuộc chạy đua này. 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục