Cái giá của phần thưởng

Sau gần một năm chính thức nộp đơn và gần 10 năm đeo đuổi mục đích gia nhập Liên minh châu Âu (EU), nỗ lực gia nhập EU của Serbia xem như đã có bước tiến quan trọng. Theo AFP, ngày 25-10, bộ trưởng ngoại giao của 27 nước thành viên EU đã khởi động đàm phán về dự thảo thỏa thuận nhằm mở cánh cửa EU cho Serbia, nói nôm na là xem xét việc xin gia nhập của Serbia mà họ đã ngâm trong một thời gian dài, cho dù nước này chưa đáp ứng một số điều kiện mà EU đặt ra.

Một nhà ngoại giao hàng đầu của EU khẳng định rằng EU phải “tưởng thưởng” cho Tổng thống Serbia Boris Tadic vì đã hành động dũng cảm (khi quyết tâm theo đuổi mục đích gia nhập EU). Thế nhưng, phần thưởng mà EU tặng cho Belgrade đã, đang và sẽ đòi hỏi một cái giá quá đắt, nếu không muốn nói là đau đớn cho mảnh đất này.

Năm 1999, Nam Tư, bây giờ kế thừa là Serbia, bị Mỹ cùng NATO dội bom trong vòng 12 tuần dưới danh nghĩa bảo vệ người thiểu số Albania ở tỉnh Kosovo của Nam Tư, buộc nước này cam kết rút quân đội khỏi tỉnh Kosovo. Thế nhưng sau đó, để trao đổi quy chế thành viên EU, Mỹ và EU lại yêu cầu nước này giao nộp cựu Tổng thống Milosevic lúc bấy giờ, người cam kết rút quân đội khỏi tỉnh Kosovo nhưng cuối cùng bị lật đổ trong một cuộc cách mạng hoa hồng sau bầu cử.

Để được vào EU, nhận viện trợ của phương Tây, Nam Tư đã giao nộp ông Milosevic (sau đó đã chết trong nhà tù của Tòa án tội phạm chiến tranh Nam Tư cũ do phương Tây lập ra), đã để Montenegro tách khỏi Nam Tư dẫn đến xóa bỏ tên Nam Tư trên bản đồ thế giới, đã nhượng bộ để trao quy chế tự trị cho tỉnh Kosovo và rồi dẫn đến việc tỉnh này đơn phương tuyên bố độc lập dưới sự bảo trợ của EU và Mỹ.

Với những “nỗ lực” đó, giờ đây EU quyết định thưởng cho Serbia bằng cách xem xét đơn xin gia nhập của nước này. Nhưng trong bản dự thảo thỏa thuận về việc gia nhập của Serbia lại kèm theo hai điều kiện mà Serbia chưa đạt được: giao nộp ông Mladic và đẩy nhanh tiến độ đối thoại với Kosovo về nền độc lập của “tỉnh” này.

Điều này cho thấy, tốc độ gia nhập của Serbia chắc chắn sẽ phụ thuộc trực tiếp vào việc, liệu họ có sẵn sàng từ bỏ những đòi hỏi về chủ quyền của mình đối với Kosovo nữa hay không? Như vậy phần thưởng mà EU quyết định trao cho Serbia chính là đá trái bóng vào chân các nhà lãnh đạo nước này.

Như vậy Serbia lại bị thêm một áp lực nữa về vấn đề Kosovo. Mới tháng trước HĐBA LHQ đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Serbia và Kosovo tiến hành đối thoại trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập (2-2008) và ủy thác EU đứng ra thu xếp các cuộc gặp và trao đổi trực tiếp giữa Serbia và Kosovo (như quan hệ giữa hai bên trong tương lai).

Những cuộc xung đột triền miên đẫm máu và nước mắt giữa các dân tộc trong vùng Balkans đã thôi thúc người dân trong vùng hy vọng được trở thành công dân của một EU thịnh vượng. Nhưng trớ trêu thay, việc Serbia phải hy sinh nhiều thứ, và giờ đây có thể là mảnh đất thiêng của tổ tiên là Kosovo, để được là thành viên thứ 28 của EU diễn ra trong bối cảnh châu lục này đang đối mặt nhiều vấn đề như cuộc khủng hoảng kinh tế chưa thấy hồi kết, thất nghiệp tăng cao và một số thành viên EU còn bị xếp hạng dưới cả Serbia về kinh tế. 

XUÂN HẠNH

Tin cùng chuyên mục