Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ngày 1-2 tuyên bố trước báo chí rằng quân đội Mỹ và NATO sẽ chuyển từ nhiệm vụ tác chiến sang nhiệm vụ huấn luyện tại Afghanistan vào giữa năm 2013 và đến năm 2014 sẽ triệt thoái khỏi đất nước Nam Á này.
Cùng lúc đó, một bản báo cáo mật của quân đội Mỹ cho rằng lực lượng Taliban dưới sự ủng hộ của Pakistan rất tự tin về khả năng họ sẽ trở lại cầm quyền sau khi Mỹ và NATO rút khỏi Afghanistan. Báo cáo này mang tên “Thực trạng của Taliban năm 2012” là bản mới nhất trong hàng loạt báo cáo về Taliban sau khi Mỹ thẩm vấn 4.000 nghi can Taliban và Al-Qaeda đang bị Mỹ giam giữ.
Báo cáo mà BBC và báo Times có được đã kết luận sức mạnh và tinh thần của Taliban hầu như còn nguyên vẹn bất chấp mọi nỗ lực hủy diệt của NATO. Mặt khác đang có một lượng đáng kể binh sĩ Chính phủ Afghanistan quy hàng Taliban.
Chưa thể khẳng định tính chân thật của bản báo cáo, trong lúc cả NATO và Pakistan đều bác bỏ thông tin trong đó. Ngoại trưởng Pakistan Hina Rabbani Khar cho rằng bản báo cáo “rượu cũ, thậm chí bình cũng cũ”. Đại diện của lực lượng ISAF (của NATO đóng tại Afghanistan) cho rằng bản báo cáo chỉ phản ánh quan điểm của các tay súng Taliban bị bắt giữ.
Nhưng có một thực tế phải nhìn nhận rằng, bất chấp việc Mỹ và NATO đổ biết bao tiền của vào cuộc chiến lật đổ Taliban ở Afghanistan từ năm 2001 tới nay, Taliban vẫn tồn tại và ngày càng mạnh lên. Bằng chứng là vào ngày 25-1, họ đã từ chối hòa đàm với Chính phủ Afghanistan tại Saudi Arabia theo đề nghị của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai.
Thay vào đó, Taliban đề nghị Mỹ thả 5 thành viên cấp cao của họ bị giam giữ ở nhà tù Guantanamo. Washington đang xem xét lời yêu cầu này bất chấp sự phản đối của Chính phủ Afghanistan và đảng Cộng hòa Mỹ.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Georgia, Saxby Chambliss, trong cuộc điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, xem kế hoạch trao trả tù nhân của Tổng thống Obama như là một thỏa thuận với quân khủng bố khi mà Taliban vẫn ngày đêm tấn công quân đội Mỹ.
Trong chuyến thăm tới các nước Afghanistan, Pakistan, UAE và Qatar, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách Afghanistan và Pakistan, ông Marc Grossman, cho rằng Mỹ chủ trương hòa đàm với Taliban chỉ khi lực lượng này từ bỏ con đường khủng bố, ủng hộ tiến trình hòa bình.
Thế nhưng, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Arizona John McCain phát biểu trên tờ Businessweek cho rằng Taliban giờ đây đang biết vị thế của họ, vì vậy, họ không dễ dàng đáp ứng các điều kiện của Mỹ trước khi ngồi vào bàn hòa đàm với Chính phủ Afghanistan. Họ biết rằng chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa là lực lượng nước ngoài rút khỏi Afghanistan và chờ đến cơ hội tốt hơn.
Nhìn từ phía Chính phủ Afghanistan, họ đang dựa hoàn toàn vào lực lượng của Mỹ và nhiều người tự hỏi chính phủ của họ sẽ ra sao sau khi Mỹ và NATO rút khỏi Afghanistan năm 2014. Có một thực tế các phương tiện truyền thông thế giới đăng tải là, dân chúng Afghanistan đang tỏ ra chán nản với Chính phủ Afghanistan vì tình trạng tham nhũng tăng cao, thiên vị sắc tộc, thiếu quan tâm tới các lãnh đạo tôn giáo và bộ tộc.
Lật lại lời tuyên bố hùng hồn của Tổng thống Mỹ George W. Bush khi Mỹ tấn công Afghanistan năm 2001 khi ông cho rằng cuộc tấn công quân sự của Mỹ tại Afghanistan sẽ buộc Taliban trả giá. Có lẽ cái giá mà Taliban phải trả chẳng thấm gì so với cái giá mà Mỹ và chính nhân dân Afghanistan phải trả cho cuộc chiến tranh tại đây suốt hơn 10 năm qua.
KHÁNH MINH