Sự trùng khớp ngẫu nhiên, tuần qua, tiếp sau sự kiện Tập đoàn HAGL và VISSAN họp báo ra mắt sản phẩm thịt bò tơ Úc được vỗ béo tại Việt Nam, TPHCM có thêm buổi tọa đàm “Giới trẻ với phát triển nông nghiệp bền vững - Kinh nghiệm và cơ hội nghề nghiệp từ các tổ chức hàng đầu trong nước và quốc tế” do Tập đoàn Monsanto phối hợp với Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TPHCM (SAC) tổ chức.
Hơn 300 sinh viên các trường đại học tại TPHCM có dịp trao đổi trực tiếp với lãnh đạo cấp cao các tổ chức và tập đoàn trong nước và quốc tế về chủ đề nông nghiệp bền vững và cơ hội nghề nghiệp, trong bối cảnh ngày càng có nhiều doanh nhân xem nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên đầu tư khi nhận ra đây là thế mạnh của Việt Nam.
Ông Juan Ferreira, Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh toàn cầu Tập đoàn Monsanto trao đổi, nông nghiệp là ngành mang đến cho các bạn hàng ngàn cơ hội về việc làm và sự thăng tiến trong nghề nghiệp, có điều kiện đi khắp nơi, trở thành doanh nhân hàng đầu, biết ứng dụng công nghệ cao để quản lý nguồn đất đai rộng lớn, nhưng trên hết là cùng với nhiều người giúp cải thiện đời sống bà con nông dân, trong đó có người thân của các bạn, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh lương thực, không chỉ cho đất nước mà cho toàn cầu. Các bạn có thể lựa chọn trở thành nhà khoa học nghiên cứu để tạo ra giống cây trồng mới, giúp nông dân đạt năng suất cao hơn nhưng lại sử dụng ít đất đai, nguồn nước và nhân lực hơn. Bạn cũng có thể là chuyên gia tiếp thị và truyền thông, đem đến cho nông dân cơ hội cập nhật thông tin về giá cả, thị trường, giúp bà con lựa chọn theo hướng có lợi nhất trong sản xuất. Hay trở thành một lập trình viên tạo ra các phần mềm dữ liệu về thổ nhưỡng, đất đai, nguồn nước giúp nông dân có thể chuyển đổi, ứng phó tốt trước vấn nạn biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nước khi thế giới đối mặt với khủng hoảng lương thực năm 2008, và áp lực trong 50 năm làm sao sản xuất ra lượng lương thực bằng 10.000 năm trước cộng lại để có thể nuôi sống dân số hơn 9 tỷ người vào năm 2050, trong bối cảnh thời tiết diễn biến thất thường, khô hạn gay gắt, không còn vùng an toàn cho mưa bão, hậu quả của biến đổi khí hậu. Nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế Việt Nam khi đóng góp 18% GDP cả nước, mang về 1/4 kim ngạch xuất khẩu và tạo ra 47% việc làm. Giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay, ngành nông nghiệp không chỉ là bệ đỡ mà còn được kỳ vọng đi đầu trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Để đáp ứng nhu cầu này, ngành nông nghiệp cần nguồn nhân lực rất lớn. Trong khi đó, nhiều sinh viên vẫn chưa được tiếp cận thông tin về sự cần thiết của ngành nông nghiệp; nhiều người vẫn nghĩ, làm nông nghiệp đồng nghĩa với hình ảnh lam lũ của nông dân bao thế hệ qua. Buổi tọa đàm giúp giới trẻ có cái nhìn toàn diện hơn về nông nghiệp trong nước và thế giới. Làm nông nghiệp ngày nay khác xa so với trước đây. Trang bị cho giới trẻ tầm nhìn mới, những thông tin, kỹ năng cần thiết và kết nối các em với những tổ chức nông nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế là việc làm thiết thực, có ý nghĩa quan trọng nếu muốn thu hút giới trẻ.
Để đạt mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững cần đến sự chung tay của lực lượng trẻ với tài năng và nhiệt huyết từ nhiều chuyên ngành khác nhau như kinh tế, khoa học công nghệ, tài chính kế toán... Vấn đề là làm sao gắn kết ngành nông nghiệp, đơn vị tuyển dụng với lao động trẻ. Đó là lý do VBCSD đã và đang tổ chức nhiều hoạt động từ Bắc vào Nam để chia sẻ với giới trẻ tầm nhìn về phát triển bền vững - đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành kinh tế trụ cột và có thế mạnh của Việt Nam.
ĐĂNG LÃM