Trên trang Khoa học-Công nghệ của Báo Sài Gòn Giải Phóng mở diễn đàn ghi nhận ý kiến của bạn đọc và các nhà khoa học về thực trạng, giải pháp để tăng cường ứng dụng vào thực tế các đề tài nghiên cứu khoa học…
Các ý kiến, bài viết cho diễn đàn, xin gửi về Ban Khoa giáo Báo Sài Gòn Giải Phóng, số 432-438 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 TPHCM, ĐT: (08) 8 397628. Email: minhtusggp@yahoo.com.
Là người làm công tác kỹ thuật, tôi rất tán thành và ủng hộ diễn đàn “Làm gì để ứng dụng nhanh và hiệu quả đề tài nghiên cứu khoa học?” của Báo Sài Gòn Giải Phóng. Đây là vấn đề rất bức thiết, rất nhiều đồng nghiệp của tôi trăn trở về điều này và hy vọng rằng diễn đàn sẽ tạo được mục đích tích cực đã đề ra.
Chúng ta có rất nhiều người tài, rất nhiều người được đào tạo bài bản cả trong và ngoài nước, nhà nước cũng đã bỏ ra không ít kinh phí, có rất nhiều trường đại học, nhiều viện nghiên cứu, nhiều đề tài nghiên cứu từ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ..., vậy tại sao nền khoa học nước nhà vẫn còn ở mức thấp, có rất ít sản phẩm được ứng dụng vào thực tế, hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng cũng như không đáp ứng được nhu cầu bức thiết của xã hội?
Theo quan điểm của chúng tôi trên góc độ của người làm kỹ thuật có một số ý kiến sau:
Một là phải tạo cho được môi trường nghiên cứu. Thực tế cho thấy, dù tiềm lực con người giỏi đến đâu, máy móc, trang thiết bị hiện đại đến đâu mà không có môi trường làm việc tốt thì cũng không ra được sản phẩm. Ngoài ra, trang thiết bị tốt chỉ là điều kiện cần, đã có những bài báo viết về tình trạng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia được đầu tư rất nhiều tiền, nhưng hiệu quả sử dụng rất thấp, thậm chí có cái nằm “đắp chiếu”. Môi trường phải bao gồm cả trang thiết bị, phương tiện, cơ chế, và rất quan trọng là phải có cái chợ mua và bán.
Hai là vấn đề đào tạo con người làm khoa học trước hết phải xuất phát từ người thầy. Nếu người thầy là nhà khoa học có nhiều công trình thực tiễn thì sẽ thổi luồng sinh khí vào học trò và cũng tạo được cho học trò phương pháp nghiên cứu khoa học đúng. Với thực trạng hiện nay, số lượng thầy làm công tác nghiên cứu rất ít, đại đa số là dạy suốt ngày, tách rời với thực tế nghiên cứu vậy làm sao cho có được sinh viên tốt? Trừ những ngành khoa học thuần túy lý thuyết, đa số đối với khoa học kỹ thuật phải có thực tế. Muốn vậy người thầy phải gắn với thực tế nghiên cứu và sản xuất. Tại nước ta, mới chỉ có ngành y là làm được điều này. Đồng thời cũng cần nhấn mạnh rằng giáo viên các trường đại học hầu như đều đã từng là các sinh viên tài năng, vậy đây là nguồn nhân lực nghiên cứu cực kỳ hữu ích, không thể để như hiện nay. Để giải quyết vấn đề đào tạo từ thực tiễn này, phải làm bằng được việc đưa thầy về nơi trực tiếp nghiên cứu, sản xuất.
Ba là gắn nhà khoa học với thực tiễn. Chúng ta chưa làm được điều này. Rất nhiều nhà khoa học giỏi, nhưng rất đáng tiếc, cho đến cuối đời không làm được sản phẩm gì có ích thực sự cho cuộc sống. Tại sao người nông dân họ là được máy gặt đập, máy tách bắp, máy nọ, máy kia? Rõ ràng họ thiếu kiến thức, nhưng thực tế đã dạy cho họ biết làm thế nào thì được. Cách làm của ta lâu nay đa số là các nhà khoa học tự nghĩ ra đề tài rồi đăng ký, xin kinh phí, thực hiện và báo cáo..., với cách làm đó phần nhiều là xuất phát từ chủ quan của các nhà khoa học. Như thế ngay ngọn nguồn của nó đã không xuất phát từ thực tế nên chỉ có một số ít đề tài có tính dự báo tốt là có đất sống, còn lại là không thể phục vụ được cho sản xuất, cho nên đương nhiên là phần nhiều sẽ phải cất vào ngăn kéo, vừa tốn tiền nhà nước, tốn công, lãng phí, chỉ đạt được mỗi một vấn đề là hoàn thành kế hoạch nghiên cứu của cơ quan đăng ký đề tài. Cách làm hiện nay cũng đã loại đi những người có khả năng nghiên cứu, nhưng ở vào những vị trí hoặc công việc không thể tự đi xin kinh phí được.
Bốn là công tác tuyên truyền. Thực tế nghiên cứu, sản xuất chứng minh rằng nhiều vấn đề khoa học cần giải quyết lại không cần phải có các kiến thức thật cao siêu. Có nhiều vấn đề từ người nông dân cho đến các kỹ sư thông thường giải quyết được. Nhiều chi tiết máy móc, khuôn mẫu phức tạp đã có thể chế tạo tại Việt Nam. Nhiều phần mềm của các hệ thống điều khiển phức tạp cũng đã được viết ra tại Việt Nam. Chúng ta không sợ các nhà khoa học trong nước không đủ kiến thức để nghiên cứu. Chắc chắn là họ có đủ khả năng, nếu thiếu cái gì ta có thể liên kết với nước ngoài để học hỏi thêm. Cũng cần nhận thấy rằng với xu thế hội nhập thì mỗi sản phẩm làm ra không nhất thiết phải 100% có xuất xứ Việt Nam. Chúng ta đều thấy rõ được cái lợi của doanh nghiệp khi sử dụng sản phẩm của các nhà khoa học trong nước sản xuất. Đặc biệt nhất là khâu bảo trì nhanh chóng, ít tốn kém là điều mà nhà sản xuất nào cũng rất cần khi đang vận hành thiết bị. Như vậy khâu tuyên truyền để doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu rõ nguồn lực khoa học kỹ thuật trong nước là điều rất quan trọng để thúc đẩy khoa học phát triển.
Năm là: Phải tìm mọi cách để các doanh nghiệp tham gia vào khâu nghiên cứu, sản xuất. Không thể cái gì cũng nhà nước bảo trợ. Doanh nghiệp đặt hàng và cùng với nhà khoa học chế tạo ra cái mà mình cần là giải pháp tốt nhất, sát thực nhất. Doanh nghiệp không chỉ biết cách chi tiền một cách hợp lý mà họ còn biết cách để giúp các nhà khoa học tiếp cận với những công nghệ sẵn có của nước ngoài để nhà khoa học có thể tiến hành công việc nhanh hơn, đúng hướng hơn.
Thạc sĩ Đặng Quang Khải