Tham dự Hội nghị còn có Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione và hơn 300 đại diện từ các bộ, ngành địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Văn Trung nhận định: “Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của chúng ta trong những năm gần đây đã đem lại kết quả đáng ghi nhận. 4 năm gần đây, thứ hạng môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện, trong đó năm 2017 tăng tới 14 bậc. Tuy vậy, tốc độ triển khai thực hiện chưa đồng đều, nhiều chỉ tiêu chưa đạt, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực”.
Ông Nguyễn Văn Trung cũng cho biết, dự thảo Nghị quyết 19-2018 (đang được gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương) có nội dung duy trì mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế, nhấn mạnh cải cách điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành; bổ sung thêm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistic và ngành du lịch để hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu ngành nói riêng, thúc đẩy tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trình bày báo cáo tại Hội nghị, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã nêu rất rõ kết quả rà soát, cải cách quy định về điều kiện kinh doanh của từng bộ ngành, địa phương.
Ông Cung thẳng thắn: “Nếu ví các Bộ như những con tàu, thì có Bộ đã ở ga cuối, nhưng cũng có Bộ chưa vào vạch xuất phát”.
Trong số các bộ được “khen” có Bộ Y tế, Bộ Xây dựng (không những bãi bỏ điều kiện kinh doanh mà còn bãi bỏ hẳn một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện)…; Bộ Tài nguyên - Môi trường báo cáo đã thực hiện rà soát, đề xuất bãi bỏ điều kiện kinh doanh nhưng không gửi kèm theo nội dung rà soát và phương án bãi bỏ, đơn giản hoá; Bộ Giáo dục - Đào tạo còn chưa có báo cáo về rà soát, cải cách theo Nghị quyết của Chính phủ.
Ở các địa phương, nhìn chung hoạt động đổi thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền được thực hiện tương đối thường xuyên; hầu hết địa phương đã áp dụng dịch vụ công trực tuyến; nhiều địa phương như Quảng Ninh, Thái Bình, Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội, Cần Thơ… đã có sáng kiến cải cách thủ tục hành chính.
Về những điểm nhấn trọng tâm trong nội dung và cách thức triển khai thực hiện NQ 19-2018, ông Cung nhấn mạnh yêu cầu tạo áp lực và kỷ luật hành chính mạnh mẽ hơn đối với các chỉ số mà thứ hạng và điểm số còn thấp, không cải thiện đáng kể trong mấy năm qua, nhất là khởi sự kinh doanh, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, giao dịch thương mại qua biên giới. Đồng thời, cần phối hợp tốt hơn, hiện quả hơn với Toà án Nhân dân tối cao để có cải thiện đáng kể chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp và giải quyết tranh chấp hợp đồng.