Halida Thanh Hóa là một “hiện tượng” của V-League 2007. Điều ấy khỏi phải bàn cãi vì riêng cái cách họ lừng lững đi từ vị trí tân binh chen chân vào tốp 3 V-League cũng đủ thấy sự nguy hiểm của các học trò HLV Trần Văn Phúc. H.Thanh Hóa còn là “hiện tượng” vì họ là tác nhân của 2 sự cố vỡ sân làm thất điên bát đảo các nhà tổ chức V-League. Nhưng “hiện tượng” của V-League có vẻ đang sớm chết yểu vì vòng quay nghiệt ngã và zíc-zắc của bóng đá Việt Nam...

Hôm qua, H.Thanh Hóa thúc thủ trận thứ 2 liên tiếp chỉ trong vòng 4 ngày. Đó chẳng phải là điều quá khủng khiếp đối với một đội bóng đã có lưng vốn như H.Thanh Hóa. Vấn đề là trận “lấm lưng trắng bụng” đầu tiên bằng thực lực trên sân nhà (trước đó, H.Thanh Hóa chỉ thua trên sân hà vì bị BTC V-League xử thua Đà Nẵng 0-3 do sự cố vỡ sân) không thể lý giải đơn thuần là do yếu chuyên môn. Cái yếu mà đội bóng của Phúc “già” bộc lộ chính là sự lấn cấn trong cái đầu, thay vì đôi chân.
Giống như Than Quảng Ninh ở hạng Nhất, H.Thanh Hóa bây giờ đã mất đi lợi thế là tính bất ngờ. Sự thiếu vắng 2 vị trí then chốt là đội trưởng Thành Dũng cùng thủ môn Mykola có thể làm suy giảm sức mạnh chứ không thể làm “đột quỵ” ngay một đội bóng luôn chơi rực lửa trên sân nhà.
Có thể 40 ngày nghỉ của V-League 2007 làm giảm cơn hưng phấn của H.Thanh Hóa.
Nhưng cái giảm ấy đâu phải chỉ riêng đội bóng của HLV Trần Văn Phúc nếm trải. Thậm chí, nếu tinh ý thì có thể thấy rằng, H.Thanh Hóa dùng chuỗi ngày nghỉ ấy để đưa đội sang Thái Lan tập huấn, đổi gió. Hóa ra chuyến xuất ngoại ấy lại tốn tiền vô ích vì nó làm “cắt cơn” của chính đội bóng xứ Thanh?
Thật khó đưa ra những lý lẽ thuyết phục cho sự chùn chân của “hiện tượng”. Thay vào đó, chỉ thấy những mối ngờ nổi lên sau trận thua đầu tiên của H.Thanh Hóa trên “thánh địa” luôn là nơi “đi dễ, về khó” của bất cứ đội bóng nào đến làm khách.
Đúng là HN.ACB trong thế dựa lưng tường đã phải làm mọi cách để tự cứu mình. Nhưng khả năng của họ đâu có đáng sợ như Bình Dương hay chính Đà Nẵng khi làm khách tại sân Thanh Hóa. Chưa kể đội bóng của bầu Kiên đang rối bời vì nội bộ và vị trí đáy bảng đang chực chờ họ nếu họ không có điểm trong chuyến làm khách ở xứ Thanh.
Cái đáng sợ nhất đối với H.Thanh Hóa sau trận thua bẽ bàng trước đối thủ đang khốn khó chính là niềm tin của khán giả nhà. Từ đầu mùa đến giờ, xứ Thanh luôn là điểm nóng về khán giả, nhất là sự cuồng nhiệt.
Khán giả xứ Thanh lặn lội đường xa, đội nắng kiếm một tấm vé vào sân cổ vũ đội nhà vì họ coi đấy niềm hạnh phúc mà chỉ xứ Thanh mới có. Bởi vậy, khó tin nổi khán giả xứ Thanh lại bày tỏ sự phẫn uất, phản ứng tiêu cực bằng cách quay sang cổ vũ cho đội khách và bỏ về khi chưa tan trận.
Khó khẳng định rằng H.Thanh Hóa buông cho HN.ACB để cứu đối thủ thoát khỏi cơn khốn cùng. Nhưng đó là chữ “NGỜ” to tướng được đặt ra khi các cầu thủ Thanh Hóa chơi như người mất hồn, thiếu đi sinh khí và chất lửa mà họ đã tạo dựng.
Khán giả xứ Thanh không tin rằng những đứa con cưng của mình thua vì kém chuyên môn. Ngược lại, cái thua ấy được cho là xuất phát từ cái đầu khi lòng tự trọng và bản sắc của đội bóng đã ngả nghiêng chỉ sau một quãng nghỉ.
Nó có thể là “chiến lược đường xa” của đội bóng xứ Thanh bởi tương lai của đội bóng không chỉ sống và thở với tư cách “hiện tượng” của một mùa bóng. Và những con người lão luyện như Phúc “già” đủ tỉnh để hiểu rằng, cái lệ của bóng đá Việt Nam còn nặng tình cảm và cần biết sống “có trước, có sau”.
H.Thanh Hóa không muốn lặp lại lối mòn từ cú lật kèo của Huế năm xưa? Chỉ có điều chắc chắn, sau 2 trận thua liên tiếp của H.Thanh Hóa, người ta bắt đầu lờ mờ nói đến cái chết yểu của một “hiện tượng”...
Gia Minh