Cảm hứng sử ca trong trường ca Bước gió truyền kỳ

Từ thuở khai sinh, Bước gió truyền kỳ là tên gọi của một bài thơ. Sau khi đoạt giải thưởng tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2003 - 2004, tác giả Phan Hoàng có thêm niềm hứng khởi tiếp nối “bước gió” thành một trường ca dài 90 trang sách. Cũng như nhiều trường ca khác, cảm hứng bao trùm Bước gió truyền kỳ là cảm hứng sử thi.
Cảm hứng sử ca trong trường ca Bước gió truyền kỳ

Từ thuở khai sinh, Bước gió truyền kỳ là tên gọi của một bài thơ. Sau khi đoạt giải thưởng tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2003 - 2004, tác giả Phan Hoàng có thêm niềm hứng khởi tiếp nối “bước gió” thành một trường ca dài 90 trang sách. Cũng như nhiều trường ca khác, cảm hứng bao trùm Bước gió truyền kỳ là cảm hứng sử thi.

Các tác phẩm mang khuynh hướng sử thi thường được viết theo thể tài lịch sử dân tộc. Nó đề cập đến những sự kiện lịch sử lớn của cộng đồng. Cảm hứng lịch sử được thể hiện xuyên suốt tập Bước gió truyền kỳ. Bản trường ca đã dựng lên chân dung của dân tộc từ thời dựng nước: “Ơi lớp lớp người người/ hiên ngang đôi cánh ước mơ chim Việt/ đôi cánh Lạc Long Quân/ đôi cánh Âu Cơ…/ âm vang bước gió truyền kỳ”.

Không phải ngẫu nhiên mà tác giả mượn hình ảnh ngọn gió để nói lên khát vọng của dân tộc Việt. Gió có tính cách tự do, phóng khoáng. Trần Mai Ninh từng miêu tả khí phách ngang tàng của ngọn gió Nam Trung bộ: “Ơ cái gió Tuy Hòa... / Cái gió chuyên cần / Và phóng túng”. Phan Hoàng cũng sinh ra ở vùng gió Tuy Hòa, nơi có ngọn núi Đá Bia tạc vào lịch sử. Thơ của anh cũng say sưa nắng gió và nhấp nhô núi đồi. Gió và núi được nhân cách hóa, mang linh hồn con người:

“Gió hỏi:

- Núi nhớ gì một thời trận mạc? Núi nhớ gì một thời đội sấm đội chớp mở đường? Núi nhớ gì một thời làm người lính trấn biên?

Núi lại làu làu lịch sử:

- Nhớ và nhớ thật nhiều. Một thời núi là vị trọng tài phân chia ranh giới hai nước Việt - Chiêm (…) Hoàng đế thi sĩ Lê Thánh Tông mở đường đến đây lấy cây rừng làm bút, lấy đá làm nghiên, lấy nước biển làm mực, đề thơ lên thạch trụ cao vút chín tầng xanh”.

Không chỉ khắc họa hình hài đất nước theo thời gian dài đằng đẵng 4.000 năm lịch sử mà tác giả cũng mở rộng hình ảnh đất nước trong không gian bao la. Ở phần 2 của trường ca, Phan Hoàng đã khắc họa chân dung vùng đất mới trong các phần: “Gió khẩn hoang”, “Gió xuôi chín khúc sông rồng”, “Tây Nam mùa gió chướng”. Những người mở cõi đã hóa thân thành ngọn gió: “Cảm ơn người mở đường/ hóa thân bước gió truyền kỳ”. Nhịp thơ tự do phóng khoáng bỗng chuyển sang thể lục bát như lời ru nhắc nhở cội nguồn: “Sông rồng chín khúc mây bay/ Sông tình chín lúc gió ngây hương nồng…”

Nhân vật trong Bước gió truyền kỳ có nhiều anh hùng nổi danh và tác giả cũng chạm khắc hình ảnh những người dân vô danh đã gánh chịu nhiều mát đau thương trong các cuộc chiến tranh: “không dân tộc nào/ không đất nước nào/ oằn vai/ gánh/ mười bốn cuộc chia ly không dám hẹn ngày về/ không dám bày tỏ nỗi nhớ niềm thương (…)/ bao bà mẹ tim ngừng đập vẫn mở mắt đợi con/ bao người vợ úp mặt chờ chồng lửa lòng đông cứng”.

Trường ca Bước gió truyền kỳ có sự tổng hợp nhiều giọng điệu: bi tráng, trầm tư, hào sảng… Mặc dù có nhiều cung bậc khác nhau nhưng âm điệu chính vẫn là anh hùng ca. Thủ pháp trùng điệp cú pháp và từ ngữ được sử dụng xuyên suốt tác phẩm, tạo thành một nhạc điệu rất riêng: “thức dậy trong ta bước chân huyền thoại/ thức dậy trong ta ngọn gió trăng rằm/ thức dậy trong ta nỗi buồn cổ tích/ thức dậy trong ta khí phách cha ông”.

Sự kết hợp nhiều loại giọng điệu, thể văn, từ ngữ có tác dụng làm cho bản trường ca tránh được sự đơn điệu. Nhờ vậy, bạn đọc vẫn không bị nhàm chán khi dõi theo hành trình của ngọn gió lang thang suốt 90 trang sách, từ cổ đến kim, từ Bắc vào Nam…

TS  Phạm Ngọc Hiền

Tin cùng chuyên mục