Vụ xe khách Phương Trang tông hàng loạt xe máy đang lưu thông trên cầu vượt Cây Gõ, quận 11, TPHCM vào sáng 9-9, khiến nhiều người bị thương là hồi chuông báo động tình trạng cho phép hàng loạt xe khách lưu thông vào nội đô.
Năm 2012, trước thực trạng tai nạn và ùn tắc giao thông nghiêm trọng, TPHCM chi hơn 450 tỷ đồng triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP. Trong đó, xử lý các “điểm đen”, lắp đặt dải phân cách ở 21 tuyến đường, lắp đặt 16 chốt đèn tín hiệu giao thông... Một giải pháp hữu hiệu để giảm ùn tắc khác, đó là các loại xe khách liên tỉnh bị cấm chạy xuyên tâm vào nội đô đưa đón khách. Bởi thời điểm đó, mỗi ngày có rất nhiều xe khách từ các tỉnh vào trung tâm TP đưa rước khách, khiến cảnh ùn tắc thường xuyên xảy ra, nhất là tại các tuyến đường trung tâm có mật độ phương tiện lưu thông cao. Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ cấp phép ưu tiên cho một số loại xe tải chuyên dùng chở hàng hóa vận chuyển theo giờ, không cấp phép lưu thông 24/24 giờ trong ngày.
Thanh tra Giao thông Sở GTVT cũng đã đề xuất phương án “Hạn chế thời gian lưu thông của các loại xe khách từ 30 chỗ trở lên”. Theo đó, Thanh tra Giao thông đề nghị Sở GTVT hạn chế cho phép xe khách loại lớn lưu thông vào khu vực nội đô, trong phạm vi mà TP đã thực hiện cấm xe tải; chỉ cho phép xe khách trên 30 chỗ lưu thông vào nội đô từ 10 giờ sáng đến 14 giờ và từ 19 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau. Vào thời điểm ấy, việc hạn chế xe khách lớn vào nội thành giờ cao điểm, các chuyên gia giao thông cho rằng, TP cũng đã cấm xe tải lớn vào nội thành giờ cao điểm thành công, nên việc hạn chế xe khách lớn sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp lữ hành. Bởi xe khách trên 30 chỗ ngồi vẫn được chạy trong nội thành giờ thấp điểm và doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng những loại xe dưới 30 chỗ ngồi để đưa đón khách. Ngược lại, chủ trương này cũng sẽ hạn chế được các doanh nghiệp xe khách liên tỉnh trá hình dưới dạng hợp đồng, xe du lịch lữ hành đang hoành hành trong khu vực nội thành, ít nhất là cũng buộc họ phải trung chuyển khách bằng xe nhỏ.
Vụ xe khách Phương Trang gây tai nạn trên cầu vượt Cây Gõ là hồi chuông báo động tình trạng cho phép hàng loạt xe khách lưu thông tại nội đô
Một thực trạng kéo dài nhiều năm nay chưa xử lý được là tình trạng “xe dù”, xe du lịch lữ hành trá hình để vận chuyển khách đi tuyến cố định đưa đón khách ngay trong nội đô. Theo ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra giao thông (thuộc Sở GTVT TPHCM), việc xử lý đối với loại xe hoạt động theo dạng du lịch lữ hành rất khó, bởi các doanh nghiệp này nhập nhằng giữa bán vé tại văn phòng công ty nhưng lại đón khách của tuyến cố định. Ngoài ra, xe hợp đồng cũng đang dùng phù hiệu để lách luật đón khách du lịch theo tuyến cố định. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, các nhà xe đều cung cấp và chứng minh được hợp đồng vận tải hành khách, điểm xuất phát và điểm dừng… Do đó, Thanh tra giao thông không thể xử phạt được những trường hợp này mà chỉ phạt nhà xe với lỗi đậu đỗ lấn chiếm lòng đường. Trước thực trạng này, Thanh tra giao thông kiến nghị cần bổ sung quy định xe hợp đồng không được vận chuyển, gom khách du lịch lẻ, thì may ra mới xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có quy định không cho phép xe chở khách du lịch được đón trả khách tại cơ sở dịch vụ du lịch là văn phòng đơn vị, nơi bán vé.
QUỐC HÙNG
- Thông tin liên quan:
>> Thăm hỏi các nạn nhân vụ tai nạn trên cầu vượt Cây Gõ