Được sự chỉ đạo của UBND TPHCM, Hội Âm nhạc TPHCM vừa đã tổ chức đoàn nhạc sĩ, ca sĩ đi thực tế sáng tác, giao lưu biểu diễn tại thủ đô Vientiane và tỉnh Champasak (2 thành phố kết nghĩa với TPHCM). Tham gia đoàn có các nhạc sĩ: Trần Long Ẩn (Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM), Tôn Thất Lập, Trần Anh, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Phan Hồng Sơn, Nguyễn Đức Trung, Phạm Thư Sinh, Hoàng Mạnh Toàn, Nguyễn Quang Vinh, Đinh Quang Minh, NSƯT Nhất Sinh, NSƯT Quỳnh Liên, NSƯT Hoàng Vĩnh, ca sĩ Băng Tuyền.
Không phải bỗng dưng người ta gọi xứ Lào là xứ chùa, vì nước Lào hiện có 1.400 ngôi chùa, trong đó có một ngôi chùa Việt Nam khá nguy nga, lộng lẫy mang tên Bàng Long (ở Vientiane). Trong 2 ngày ở thủ đô xinh đẹp này, đoàn đã tham quan Khải hoàn môn Patuxay, That Luang, Xi Mương (chùa Mẹ), Wat Hor Phrakeo, chùa Sisaket…
Thủ đô của đất nước triệu voi này không ồn ào sôi động. Những con đường sạch sẽ. Hai bên đường, lúc hoàng hôn, trước cửa mỗi nhà đều có một chiếc ô tô. Anh em chúng tôi đùa với nhau: “Lâu nay Lào nổi tiếng với tên gọi đất nước triệu voi, giờ có thể gọi thêm là đất nước triệu xe. Nhiều xe như thế nhưng người dân Lào hiền hòa và chấp hành luật lệ giao thông rất đúng mực. Họ thường nhường đường cho nhau chứ không vượt ẩu. Do đó ít thấy cảnh sát, ngoại trừ ở một vài ngã tư có mật độ xe cộ đông đúc.
Tạm biệt không gian yên lành ở Vientiane, đoàn vượt 350 cây số đi về hướng Nam Lào đi Thakhek - một thị trấn yên tĩnh, thủ phủ của tỉnh Khammuane (Khăm Muộn). Sau đó chúng tôi lại tiếp tục chuyến hành trình vượt 400km để đến Pakse. Dọc đường, chúng tôi dừng chân ở Seno. Nơi đây có đặc khu kinh tế Savan - Seno (Công viên Savan - SSEZ) thuộc tỉnh Savannakhet. SSEZ nằm trên hành lang Đông - Tây nối liền Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, cách cảng biển Đà Nẵng khoảng 500km và cảng Bangkok (Thái Lan) khoảng 600km, rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa. Đây là đặc khu kinh tế đầu tiên ở Lào, bao gồm khu chế xuất, khu thương mại tự do, trung tâm dịch vụ và hậu cần tự do, được xem là một trung tâm phát triển mạnh về thương mại và dịch vụ trong tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) đang ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Thực ra, chúng tôi dừng chân ở Seno không phải để nghiên cứu kinh tế mà vì sự háo hức muốn ăn món gà nướng Seno nổi tiếng ở đất Lào. Có người nói, ai đã đi Lào mà chưa ăn gà nướng Seno thì coi như chưa từng đến xứ Lào. Xe dừng ở ven đường. Một dãy hàng quán chuyên bán gà nướng Seno nối tiếp nhau. Seno là giống gà nhỏ như gà tre, được thả rông cho nên thịt gà ngọt, săn chắc. Gà Seno phải nướng bằng than và chấm với nước tương đặc biệt của Lào thì mới ngon và đúng điệu.
Buổi trưa chúng tôi đến Pakse (thủ phủ của tỉnh Champasak), nơi kết tụ những vẻ đẹp đặc sắc về văn hóa, tự nhiên của 4 tỉnh Nam Lào. Buổi chiều chúng tôi đi tham quan đền Wat Phou - một ngôi đền cổ từ thời Vương quốc Chenla (thế kỷ VIII - XI) được xây dựng theo kiểu kiến trúc đền Angkor, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2001. Wat Phou nằm dưới chân núi Phou Kao ở độ cao 1.200m so với mặt nước biển, một quần thể đền đài được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ VII mang phong cách kiến trúc Hindu giáo, thờ thần Shiva. Tuy nhiên, sau hàng thiên niên kỷ, ngôi đền bây giờ chỉ còn là phế tích với sự hoang tàn và đổ nát, khiến ai cũng ngậm ngùi!...
Sáng hôm sau chúng tôi tham quan chợ Đào Hương - khu chợ mang tên một Việt kiều, là người bỏ tiền đầu tư xây dựng. Đây cũng là chợ lớn nhất tỉnh Champasak. Chợ Đào Hương có nhiều người Việt buôn bán sinh sống nên chúng tôi có thể trao đổi bằng tiếng Việt, trả bằng tiền Việt Nam khi mua hàng.
Đêm cuối ở Champasak, NSƯT Hoàng Vĩnh, NSƯT Quỳnh Liên, NSƯT Nhất Sinh và ca sĩ Băng Tuyền đã có buổi biểu diễn giao lưu văn nghệ, cùng vui múa điệu Lâm Vông thật sôi nổi với các khán giả Lào. Không khí thật vui tươi, đầm ấm, tràn đầy cảm xúc!
Mấy ngày đến thăm đất nước triệu voi cũng chóng qua đi, ít nhiều khiến mọi người trong đoàn vương vấn nhiều suy tư, xúc cảm. Đó cũng là tình cảm thân thương dành cho đất nước và con người Lào hiền hòa, mến khách, tươi đẹp.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên